top of page

Vui buồn với văn nghệ Tiền Phong

Ảnh của tác giả: Amy Duong, NikkiduongAmy Duong, Nikkiduong

Tiền phong của VNTP hải ngoại hôm nay là tờ "Gió Mùa", xuất bản tại Đà Lạt trước năm 1954, cũng do anh Hồ-Anh Nguyễn-thanh-Hoàng làm chủ nhiệm. Gió Mùa là tờ báo duy nhất được phát hành rộng rãi trên toàn quốc vào thời kỳ đó. Nhiều cây bút Bắc Hà tham gia đóng góp cho Gió Mùa. Lúc đó tôi còn đi học trường Chu-Văn-An Hà-Nội nhưng rất ham đọc sách báo. Gia đình tôi có người thường xuyên viết cho Gió Mùa. Khi báo gửi ra Bắc, cả nhà đọc xong tôi có nhiệm vụ cắt bài dán vào một cuốn vở.


Năm 1954 khi gia đình tôi di cư vào Nam, thì Gió Mùa đã đổi măng-xết thành VNTP. Toà soạn đặt tại nhà in Long-giang 126 Lê-Lai Saigon, chung với toà soạn nhật báo Ngôn-Luận, cả hai đều do ông Hồ Anh làm chủ nhiệm. Được vài năm báo Ngôn-Luận phát triển lớn mạnh, dọn về 86 Lê-Lai cách toà soạn cũ đúng 20 căn. Còn VNTP vẫn ở chỗ cũ.


Một sự kiện hi hữu trong làng báo VN thời đó: một cây bút trọng tuổi của VNTP qua đời năm 1958, VNTP ra một số đặc biệt tưởng niệm với di ảnh người quá cố và tấm băng tang in trên bìa báo, thay cho hình mỹ nhân in ốp-xét.


Thời gian từ 1955 đến 1959, VNTP do ký giả Văn-Giang làm thư ký toà-soạn. Sau đó ký giả Vi-Bằng. Anh Vi Bằng trước đay là một cây bút có tâm bút có tâm vóc trong làng điện ảnh, chuyên dịch và làm phụ đề Việt ngữ cho các hãng phim ở Sàigòn từ năm 1949.


Đây là thời gian tôi chính thức bước chân vào nghề cầm bút, khởi đầu với "Một truyện tình", đăng nhiều kỳ, phỏng dịch theo truyện trinh thám "Lucille et lé inconnus". Anh Tử Vi Lang chịu khó ngồi hiệu đính cả một tập bản thảo dầy cộm tôi gửi. Khi anh Tử Vi Lang qua đời ở Mỹ thì tôi còn đang cuốc đất trong một trại khổ sai. Tin anh mất do bằng hữu nhắn vào. Tôi đã dành phần cơm chiều ăn muộn cùng chén nước mắm "ruồi bay qua không thèm dừng cánh" với điếu thuốc lá Điện-Biên thắp thay nhang để tưởng nhớ đến anh.


Đầu năm 1960 anh Giang-Tân thay anh VI-Bằng. Lúc đó VNTP nổi tiếng về trang báo "Tin tức...mình", vừa có nghĩa tin trong nước mà cũng có nghĩa tin làm mình tức anh ách! Một lối chơi chữ. Hai nhân vật Quận Hách và Ba Phải do hoạ sĩ Văn Đạt vẽ biểu trưng hai giai cấp thống trị và bị trị. Quận Hách với bản chất ngu dốt, nịnh trên nạt dưới, hách xì bằng... Còn Ba Phải tượng trưng cho người dân thấp cổ bé miệng nhưng đầy tính Trạng Quỳnh, Ba-Giai, Tú-Xuất.


Báo ra ngày thứ năm, chiều thứ hai bài vở xong xuôi. Ban biên tập họp vào buổi tối tại nhà ông chủ nhiệm ở cư xá Chu-Mạnh-Trinh Phú-Nhuận. Thường xuyên gồm: Hồ-Anh, Lê-Tâm-Việt, Hoàng-Tùng, Tử Vi Lang, Giang-Tân, hai hoạ sĩ Đức-Khánh/ Văn Đạt, cô Linh-Lan và tôi. Ban biên tập rút ưu khuyết điểm tờ báo mới in xong, đồng thời bàn thảo đề tài cho số tới. Buổi họp đôi khi mời thêm vài bạn đọc tham dự, chung góp ý kiến.


Đầu năm 1961, VNTP phát động một cuộc thi lớn với các giải thưởng như tủ lạnh National, radio Philips, bút máy Parker, đồng hồ treo tường v.v... Và cũng có thêm nhiều... lô thuốc bổ thận do nhà thuốc Võ-văn-Vân gửi tặng làm giải thưởng. Cả toà soạn hân hoan thấy ông Võ-văn-Ứng, tức Bầu Ứng, đại diện nhà thuốc nhãn hiệu "Em bé che dù" này nhiệt tình tham gia. Ai cũng vui vẻ tiếp nhận, kể cả toà soạn lẫn người trúng giải. Ông trúng thì ông uống, còn bà trúng thì ông cũng uống luôn. Có sao đâu! Úm ba la, trực tiếp hay gián tiếp thì cả hai ông bà cùng "hưởng" cả!


Cũng thời điểm này, cô Linh-Lan phụ trách mục trả lời bạn đọc, nêu trường hợp: một nữ sinh hiếu học nhà ở ấp Voi Nhỏ Hốc Môn, gia đình gặp khó khăn, mỗi ngày tới trường Trưng Vương Sàigon bằng phương tiện di chuyển hết sức cơ cực... Một nhà hảo tâm nhờ cô Linh-Lan xem thực hư. Tôi được phái đi cùng Linh Lan, tìm tới tận nhà... Sự kiện thực 100%. Cô nữ sinh được nhận khoản trợ cấp của nhà hảo tâm. Và sau này cô nữ sinh đã bước chân vào nghề cầm bút và trở thành một ký giả nổi tiếng, từ trước 1975: Kiều Mỹ Duyên.


Anh Giang-Tân làm thư ký tòa soạn cho VNTP được hơn một năm thì anh Trọng Tấu về thay thế. Trọng Tấu trước kia là thuỷ thủ một tàu binh Pháp, tầu La-mốt Pích-kê, đồng thời cũng là vũ sư có hạng cùng thời với Quách Chín, Mạo Xương, Hiếu Cận, Jim Lê, Nguyễn-Trọng, Trần Quốc v.v... Trọng Tấu cũng có nghề nuôi và huấn luyện chó. Một người đa tài đa năng nhưng lại đói rach triền miên! Tưởng cũng nên nhắc lại sự việc: cuối thập niên 60, khi VN có phong trào mở super-market, trong một buổi họp tại Tổng-cục Tiếp-Tế, chính Trọng Tấu là người đề nghị dùng hai chữ "SIÊU THỊ" để chỉ "super-market". Do tình cờ sau 30.4.75, tôi được đọc bản sao biên bản buổi họp trên, khi văn kiện này thành giấy gói hàng (anh Trọng Tấu qua đời vài năm sau khi CS cưỡng chiếm miền Nam, anh chết do bệnh "vẩy nến").


Anh Trọng Tấu đầu quân cho báo Tiếng Vang, tôi thay anh làm thư ký toà soạn VNTP. Lúc này toà soạn dọn về nhà in Hương Vân, 20 Phan văn Hùm Sàigon, trước bến xe đò Tây-Ninh. Toà báo cũng tăng thêm nhân lực: cô Trần-thị-Lâm, phụ trách mục "Kết bạn thư tín".


Cũng thời gian này, hoạ sĩ Trần-Vũ góp một truyện dài bằng tranh nơi bìa tư. Với lối vẽ bay bướm, hoạ sĩ Trần Vũ mô tả cuộc tình duyên giữa viên phi công hào hoa và một thiếu nữ trẻ đẹp. Cuộc tình đầy lãng mạn nhưng không thiếu tính chiến đấu và bổn phận với đất nước... Trần Vũ là sĩ quan bộ binh, rời quân trường chưa lâu, góp mặt với VNTP với tính cách tài tử. Không ngờ truyện bằng tranh của Trần Vũ đã tạo ấn tượng tốt với binh chủng Không quân. Sau đó bên Không quân tìm cách xin Trần Vũ về binh chủng mình.


Cô Tràn-thị-Lâm sau một thời gian giữ mục "Kết bạn thư tín", thường xuyên phải quần là áo lượt đi... ăn cưới những cặp vợ chồng tới với nhau qua cuộc "xe duyên" này, chính cô cũng lên xe hoa luôn.


Cuộc chinh biến 1.11.1963 lật đổ chế độ của Tổng-thống Ngô-Đình-Diệm khiến nhiều báo ở Sàigon bị đóng cửa, trong đó có tờ Ngôn-Luận, là báo "người nhà" với VNTP. Một số báo mới ra lò, như Tân Luận (của Tử Vi Lang), Công-Luận, Khởi Hành, Dân Chúng v.v... Các báo, kể cả nhật báo lẫn tuần báo, đều long đong. VNTP không thể là một ngoại lệ. Để giảm bớt chi phí, ông chủ nhiệm buộc lòng phải đề nghị tôi thôi chức vụ thư ký toà soạn, trở về vai trò biên tập viên. Là người trong cuộc tôi hoàn toàn thông cảm với VNTP gặp lúc khó khăn.


Tôi đầu quân cho nhật báo Chính-Luận, làm việc liên tục đến ngày mất nước 30.4.1975. Trong thời gian tôi làm cho Chính Luận, tôi vẫn tiếp tục viết bài cho VNTp (và sau này cho "đàn em" của VNTP là Khoa-học Huyền-bí).


Cũng có khoảng thời gian chừng hai năm, tôi ngưng viết cho VNTP khi tôi và các anh Tử Vi Lang, Lê-Tâm-Việt và Đậu-Phi-LỤc hùn vốn ra tờ tuần báo khổ nhỏ Chọn Lọc và xuất bản sách truyện. "Đời pháo thủ" của Nguyên-Vũ là cuốn sách mở đầu do nhóm chúng tôi xuất bản. Sau năm Mậu Thân (1968) báo Chọn Lọc chết không kèn không trống, vì các đại lý nại cớ chiến sự quịt tiền!


Thời gian tôi làm báo Chọn Lọc và xuất bản sách thì VNTP chấn chỉnh về mọi mặt. Cây bút chủ lực lúc đó là anh Trần-Việt-Sơn. Anh có tài viết thật ngắn mà đầy đủ. Anh dich và thâu gọn hàng trăm trang sách thành vài trang. Chính anh là người đã bơm ô-xy vào không khí thể thao Sàigon với cách mô tả và diễn giải các trận bóng trong quốc tế rất sôi động. Lúc đó dân Sàigon- quảng đại quần chúng - mới biết nhiều đến Pélé, rồi Cruif... cũng như các chiến thuật trên sân cỏ, mặc dầu trước đây Sàigon đã từng có những tờ báo chuyên về thể thao. Các thư ký toà soạn kế tiếp tôi, như cô Quỳnh Như, cô Lý Thuỵ Ý v.v... đã góp công sức rất nhiều cho việc chuyển mình đi lên của VNTP. Năm 1976, anh Trần-Việt-Sơn bị CS bắt cùng với hơn 40 nhà văn nhà báo và nghệ sĩ sân khấu điện ảnh, trong chiến dịch truy quét văn nghệ sĩ miền Nam có thành tích chống cộng. Anh Sơn đã qua đời tại quê nhà sau khi ở tù ra không lâu.


VNTP đáp ứng được những đòi hỏi của giới trung lưu, công tư chức, quân nhân, sinh viên học sinh v.v... Với mục tiêu "đọc ít biết nhiều" kèm "cười để sửa đổi thói hư tật xấu", nên số bán ngày một gia tăng. Nhiều sạp báo Sàigon ra chậm mua không còn. Thừa thắng xông lên, tờ Khoa-học Huyền bí ra đời, cùng chung toà soạn với VNTP, lúc đó ở 86 Lê Lai, được xây cất lại khang trang và tiện nghi.


Trong thời gian mấy năm liền sau khi được thả khỏi trại tù Z.30D (Hàm Tân), trước khi xuất cảnh, tôi được đọc VNTP hải ngoại do một số thân hữu từ Pháp, Úc, Anh... đem về nước. VNTP đã bước sang một kỷ nguyên mớ, với những cây viết mới mà văn phong cũng như hào khí người viết toát lên tình yêu và niềm tin của mình đối với dân tộc và đất nước. Ở quê nhà, người ta đọc lén, làm phtocopic sách báo hải ngoại rồi truyền tay nhau xem, y như vào giữa thời kỳ chiến tranh ác liệt 1965-66 dân Hà-Nội đã chép tay hầu hết sách truyện của nhóm Tự lực Văn đoàn, để nhâm nhi từng lời văn, thưởng thức cái hương vị văn chương đích thực: phục vụ nghệ thuật và con người.


Rời quê hương với mái tóc bạc và một dẫy những tên bênh mà nhà thương Lenzen của Mỹ moi ra sau các xét nghiệm bằng máy điện tử tối tân (dĩ nhiên miễn phí), tôi trở lại với VNTP là một định mệnh...

 

Tô Ngọc

(Thung Lũng Hoa Vàng 1.1.1995)


Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Viết lách Sàigon - Hà Nội sau 30.4.1975

Tô Ngọc Chủ trương “ba bám” Cộng sản sau khi chiếm được miền Nam, liền đem ngay món “văn hoá ưu việt xã hội chủ nghĩa” vào, hý hửng tưởng...

Comentarios


Subscribe to Our Newsletter

Thanks for submitting!

© 2020 by Truherbsusa.net

bottom of page