top of page
Ảnh của tác giảAmy Duong, Nikkiduong

Viết lách Sàigon - Hà Nội sau 30.4.1975

Tô Ngọc


Chủ trương “ba bám”


Cộng sản sau khi chiếm được miền Nam, liền đem ngay món “văn hoá ưu việt xã hội chủ nghĩa” vào, hý hửng tưởng phen này dân miền Nam sẽ lé con mắt, ôm chầm lấy, hit hà xưng tụng, coi như báu vật trên đời.

Trong những tháng đầu sau ngày “giải phóng”, tên bồi bút Trần Bạch Đằng lên lớp giới văn nghệ miền Nam bằng một “bài nói” dài lê thê, được sở thông tin văn hoá thuộc thành-uỷ thâu băng, trịnh trọng phát đi phát lại nhiều lần trong ngày, liên tiếp trong nhiều tuần lễ, trên đài FM của Mỹ trước đây bỏ lại. TBĐ nhấn mạnh về chủ trương “ba bám” mà các cây bút hành nghề dưới chế độ XHCN cần phải quán triệt: bám vào tính Đảng, bám vào tính dân tộc và bám vào tính hiện thực.


TBĐ còn nói rõ thêm về sự quan yếu của “tính Đảng”, mà những người cầm bút không thể đi ngược. Chủ trương “ba bám” do TBĐ nhai di nhai lại theo chỉ thị trung ương Đảng, là chân lý sáng ngời, là khuôn vàng thước ngọc của chế độ XHCN… Nhưng nó đã được nhân dân miền Nam nhận chân, đánh giá là thứ “chủ trương văn hoá rận ba chân”. Tức là cái chủ trương của một giống bọ chét nhỏ li ti, dường như có tên khoa học là morpibion. Giống bọ chét ký sinh này thường đào hang ẩn núp kiếm ăn theo kiểu gà què ăn quẩn ở chỗ tối tăm ẩm thấp trong cơ thể con người… Người nào vô phúc bị chúng bám là có chầu ngứa gãi mệt nghỉ! Gãi chảy máu vẫn cứ ngứa! Lấy nhíp nhổ, chúng tuyệt đối ngoan cố kiên cường bám trụ. Thà đứt đầu đứt vòi chứ không chịu nhả. Muốn trị chỉ có cách duy nhất: khai quang láng coóng mật khu địa đạo này, hoà DDT với dầu hôi phết tẩm thật kỹ, rồi quấn khăn dầy để chừng 15 phút cho hầm hơi…


Những người dân miền Nam khác thì coi chữ nghĩa của Bác và Đảng toàn một mùi chua chua, khen khét, thum thủm… Đọc sách báo XHCN theo họ, nếu không trĩ mũi thì cũng đổ ghèn hoặc mắc bệnh thiên đầu thống!

Sách báo CS ai cũng nhận thấy chủ trương “ba bám” do Đảng và nhà nước đưa ra chẳng giống con giáp nào… Ký giả Phi-Vân, nguyên Tổng thư ký Nghiệp-đoàn Ký giả Nam-Việt (của Nguyễn Kiên Giang) trong chỗ thân tình, có nói với tôi: “Tôi chịu không hiểu các ông ấy định viết và nói cái gì!”


Ký-giả lão thành Nguyễn-Văn-Mại, rụng gần hết răng, người cứng đầu nhất trong làng báo Sàigon, ngồi tù nhiều lần vì chống đối các chế độ từ Nguyễn-văn-Thiệu trở về trước, sau khi được nhận vào làm trong toà soạn Tin Sáng của Ngô-Công-Đức (mục đích vuốt ve dân miền Nam, tạm thời CS cho NCĐ ra tờ TS, nhưng một thời gian sau thì TS tuyên bố tự đóng của – hay buộc phải đóng cửa?) một hôm sau bữa cơm ông mới ăn, ông không sao nhá nổi! Câu ví von này khiến ông bị kiểm điểm mấy ngày.


Riêng ký giả Tô Nguyệt Đình, xuất thân từ báo Ánh Sáng trước năm 1950 ở Sàigon thì nức nở khen “chủ trương ba bám đem lại nền văn chương vượt thời gian và không gian”. TNĐ cũng nhận mình là người đã điều khiển ba đoàn thể báo chí Saigon: Nghiệp-đoàn Ký-giả Việt-Nam (hồi đầu Chủ tịch là ký giả Nguyễn-Trọng – nay định cư ở Oklahoma, sau tới Thanh Thương Hoàng, và khi bể dĩa là Thái Dương), Nghiệp-đoàn Ký-giả Nam-Việt (Nguyễn-Kiên-Giang) và Hội Ái-hữu Ký-giả (Lý-Bình-Hiệp), vào thời điểm 1974-75 chống đối luật báo chí 007 của Nguyễn văn Thiệu. Thật ra thì ký giả Tyca (Trần Văn Sơn) và bà vợ giáo học, mới chính là VC nằm vùng, được cử tới CLB Báo chí 15 Lê-Lợi Sàigon, theo dõi diễn biến trong giới cầm bút miền Nam.

Năm 1987 sau khi ở tù ra, tôi gặp lại vợ chồng Tyca, khi đó đã rời khỏi “Sở Bảo vệ Chính-trị” về nhà nuôi gà vùng Phú-Định. Cả hai đều tỏ ý hối tiếc chuyện đã qua và chửi TNĐ nói láo.


Bà Tyca nói:

- Hồi đó vợ chồng tôi được lệnh theo dõi mấy anh… Chúng tôi đã dùng đủ mọi cách mà không sao ảnh hưởng nổi mấy anh… Cái hôm ba hội đoàn mời phái đoàn “The Freedom House” do Leonardo Sussman cầm đầu từ Mỹ sang, họp ở Nhà hàng Nam-Đô của Bầu Ứng, nhà tôi được anh Nguyễn Kiên Giang mời tham dự, nhưng bọn tôi có làm được trò trống gì đâu!


Tạo cơ hội bôi gio trát trấu vào mặt nhau

Thành uỷ Saigon sau khi phổ biến chủ trương “ba bám”, thường xuyên mở những buổi thảo luận chuyên đề cho nhiều “mảng” văn nghệ sĩ, như giới cầm bút, giới sân khấu, giới điện ảnh v.v… Đôi lúc tập họp hỗn hợp để cùng phê và tự phê. Đây là lúc các đối tượng tố cáo, bôi gio trát trấu vào mặt nhau…


Một nữ nghệ sĩ cải lương có tiếng là kiều nữ đã nức nở khóc, tố cáo một ông chủ báo ngành sân khấu, cũng có mặt trong buổi “tố khổ” ngày hôm đó, đã ép cô phải hiến thân ông mới chịu đăng hình trên bìa và viết bài khen trong báo. Lập tức một nam ca sĩ tân nhạc liền phát biểu, với đại ý: “Cái nghề hát hỏng ở đâu mà chẳng vậy! Muốn nổi tiếng có nhiều tiền người ta phải chịu khó thông qua rất nhiều cái giường! Giường bầu gánh, giường nhạc sĩ, giường tác giả kịch bản, giường người giới thiệu, giường chủ báo, giường ký giả bốc thơm, giường quan lớn địa phương khi lưu diễn v.v… Không có những cái giường đó thì làm sao có tiền có tiếng? Trên đời này chẳng có ai làm chùa cho ai hết! Qui luật xưa như trái đất, có gì lạ đâu mà chị phải la làng!”


Thú thực cá nhân tôi rất khâm phục, cả người tố cáo lẫn người phát biểu phản bác. Chỉ trong lịch sử sân khấu XHCN mới có một nữ diễn viên thần tượng dám nói thực, nói thẳng và nói hết về những tủi nhục của mình trước một cử toạ đông đảo như vậy. Còn người phản bác, thuộc loại xâm mình, giữa buổi hội thảo của CS thường chỉ có những cái gật đầu “nhất trí cao” mà dám mở miệng với câu “ở đâu mà chẳng vậy”! Không lẽ trong chế độ ưu việt XHCN miền Bắc cũng có những trò ma-tịt như ở miền Nam dưới chế độ kìm kẹp của Mỹ-Nguỵ hay sao?


Trở lại chuyện báo chí, CS tổ chức ngành báo chí truyền thông theo hệ thống hầu như bất di dịch như sau:

1. Tạp chí Cộng-Sản. Là tờ tạp chí chỉ đạo, do các lý thuyết gia cỡ lớn trong trung ương Đảng trực tiếp đóng góp. Nếu trong thế giới tư bản người ta xài chữ “dictature” để chỉ chế độ độc tài, kiểu Hitler chẳng hạn, thì trong Tạp-chí Cộng-Sản, cũng với chữ “dictature” dành cho CS thì lại được dịch với ngông từ êm tai hơn: “chuyên chính vô sản”.

2. Báo Nhân Dân. Sau Tạp chí Cộng Sản, nhật báo Nhân Dân làm công việc khai triển lý thuyết chỉ đạo và áp dụng chung cho cả nước. Phần tin tức có tính tổng quát, hướng về trung ương và nhất là mặt đối ngoại. Tin tức các vùng các tỉnh chỉ qua loa, thường được loan nơi trang trọng.

3. Báo địa phương. Mỗi địa phương đều có báo phản ánh đời sống xã hội, kinh tế, văn hoá v.v… địa phương mình. Tuỳ theo lớn nhỏ, tài chính nhiều ít, mà mỗi địa phương xuất bản nhật báo, tuần báo hay nguyệt san.


Sàigon, Hà-Nội, Hải Phòng ra nhật báo. Sau Nhân Dân thì Saigon Giải Phóng đứng hạng nhì, vượt cả Hà-Nội là nơi trung ương Đảng cố thổ. Các địa phương khác hoặc nhờ vào nhân lực sẵn có (như Huế, Long An), hoặc do kinh tế làm ăn khấm khá (như Vũng Tàu, Quảng Nam Đà Nẵng) thì ra tuần báo. Còn những địa phương nhân lực không, tài lực không, cũng phải cố gắng cho ra một bản tin tức trong tỉnh, dù mỏng teo (như Lạng Sơn, Gia Lại Công-Tum). Riêng Lạng Sơn, sau này nhờ buôn lậu qua các “hữu nghị quan” với Tàu, làm ăn khấm khá, và sau khi cho nổ tượng nàng Tô Thị lấy đá nung vôi và lem nhem quĩ tái thiết tượng, đã cho ra đời tờ báo bảnh bao hơn.

4. Báo chuyên ngành. Ngoài các báo kể trên đặt nặng vấn đề tin tức, có các báo chuyên ngành. Nổi nhất là tờ Tuổi Trẻ của Đoàn Thanh-niên CS/HCM, sau đó tới tờ Công An. Địa phương nào mà chẳng có đông đảo hai thành phần này, cho nên người ta thấy đủ món Tuổi Trẻ lẫn Công An, của đủ các tỉnh.

Tiếp theo là các báo Lao Động, Thể Thao, Phụ Nữ, Pháp Lý v.v… theo ngành của mình.

5. Báo tầm gửi. Đay là loại sống bám vào một tờ báo khác. Vì người ta không thể đào đâu ra giấy phép nên phải xài tới công thức này. Chẳng hạn như tờ Kiến thức ngày nay, in khổ nhỏ, là báo tầm gửi của Tạp chí Văn thuộc Hội nhà văn Tp. HCM, do Anh Đức chủ trương. Miền Nam sau 30.4.1975 có hai cây bút được chiếu cố cho hưởng ơn mưa móc trong cái biên chế tạm gọi là “hàn lâm”, tháng tháng có tiền trợ cấp rồi rong chơi hay viết lách tuỳ ý. Một loại văn nghệ sĩ thượng thặng. Đó là Anh Đức (đảng viên) và Sơn Nam (ngoài đảng). Sơn Nam hàng ngày la cà trong thư viện, chuyên moi tìm tài liệu về Sàigon kháng chiến, về bến Nhà Rồng v.v… để cung ứng cho các báo nào cần khi tới ngày kỷ niệm.


Tiểu thuyết tầm gửi

Ngoài báo tầm gửi còn có tiểu thuyết tầm gửi… Nhiều người in tiểu thuyết bằng danh xưng “phụ bản báo XYZ”. Nếu ở hải ngoại chúng ta có nạn cầm nhầm tác phẩm của người khác, đăng bừa, in bừa chẳng them biết tác giả là ai thì ở nước VN/XHCN món làm ăn này có phần phong phú hơn bất cứ nơi nào. Báo Tuổi Trẻ có lần loan tin một tác phẩm của Mai Thảo được đổi tên cả tác giả lẫn tên sách, phát hành ở Lạng Sơn và một số tỉnh “vùng cao” ngoài Bắc.


Phải nhìn nhận một điều: CS rất kỹ trong vấn đề dùng chữ, vấn đề tôn ti thứ bậc. Nguyễn Hữu Thọ có công dâng hiến miền Nam cho CS, được bầu làm Chủ-tịch Quốc-hội vẫn chỉ được gọi bằng “ông”, chứ không được gọi là “đồng chí” dù từ lâu NHT vẫn được hiểu như là người cùng chí hướng với CS. Mãi mấy năm sau này, sau khi được kết nạp vào Đảng NHT mới được gọi là “đồng chí” và cho hưởng bổng lộc đúng tầm mức.

Mỗi khi có phái đoàn nước ngoài tới, thì danh xưng của mỗi nhân vật tham dự - của cả hai bên – đều lần lượt theo hai thứ tự chức vụ trong Đảng trước, rồi mới tới chức vụ trong bộ máy cầm quyền. Dù rườm rà và dài dòng, nhưng món chữ nghĩa này vẫn phải được lập đi lập lại, có khi cả chục lần, trong một bài báo dù đếm kỹ đến mấy cũng chỉ có vài trăm chữ.


Trong Sàigon Giải phóng, thời gian đầu đăng lại truyện dài phơi ơ tông “Sống như anh” tường thuật cuộc đời của “liệt sĩ” Nguyễn-văn-Trỗi, người đặt bom phá cầu Công-Lý giết Bộ trưởng Quốc-phòng Mac Namara của Mỹ. Truyện anh thợ điện Nguyễn-Văn-Trỗi bị kết tội oan do mưu mô kiếm điểm với Mỹ của tướng Nguyễn-Khánh thì hầu như toàn thể dân miền Nam đều biết, ấy thế mà Hà-Nội cũng phịa ra được cả một cuốn phim, một cuốn truyện đầu ngô mình sở chường ra cho dân miền Nam coi. Trang trong tồi quá, không ai đọc… Lập tức ban biên tập thay bằng truyện trinh thám gián điệp “Chiếc khuy đồng” kể lại cuộc đời anh hùng phản gián Liên Xô Ma-ca-rốp.


Anh gián điệp này tài ba đến độ hoá trang giả làm Béc-Din, một hoạ sĩ kiêm gián điệp Mỹ sống trong vùng Đức Quốc xã kiểm soát. Béc-Din có thành tích chơi bời, gái dủ loại thượng vàng hạ cám Béc-Din vớ được là mần ngay… Ấy thế mà điệp viên Ma-ca-rốp, theo lý tưởng đạo đức cách mạng của Lê-Nin, đã không thèm mần em nào, kể cả những bồ cũ của Béc-Din tới lôi Ma-ca-rốp lên giường, mà điệp viên này vẫn giữ được hành tung bí mật không bị Giét-ta-pô Đức hay tình báo Mỹ phát giác! Thế mới cực là tài!


Cùng thời, trên báo đăng truyện bằng tranh của hoạ sĩ Hoàng Lương. Hoàng Lương vẽ nhưng không dám ký tên mình, mà gửi bài theo cách độc giả mến mộ, với tên khác. Nhưng giới làm báo nhà nghề chỉ nhìn nét vẽ, cách bố cục là biết ngay tác giả. Lúc đó SGGP do đám làm báo ngoài Bắc vào điều hành, hoàn toàn xa lạ với giới làm văn nghệ tại miền Nam, nên đã không nhìn ra.


Một truyện bằng tranh kiểu phơi ơ tông khác được tiếp nối, do một hoạ sĩ từ Hà-Nội vào vẽ (tôi quên mất tên, chỉ nhớ lúc đó hoạ sĩ đang làm việc trong đài truyền hình). Truyện “Hùng Vương”.

Truyện kể một thanh niên tên Hùng Vương sống đời du canh và săn bắn… Chàng gặp Nàng Lúa, hai người yêu nhau… Một hôm Nàng Lúa vào rừng bị một con cáo rượt bắt… Nàng vùng vẫy nhưng không thoát nổi nanh vuốt con thú. Bỗng có con chim đại bàng bay tới, quắp luôn cáo lẫn người. May Hùng Vương tới kịp dương cung bắn, hạ luôn đại bàng lẫn cáo… Cứu Nàng Lúa về hang, Hùng Vương làm thịt cáo, lột da treo trên vách đá….


Truyện vẽ đến đó thì ngưng, hôm sau có đăng lời cáo lỗi “hoạ sĩ bận đi công tác”. Nhưng sự thực chẳng có công tác gì hết… Ông hoạ sĩ kia không hiểu sao lại lú lẫn quên mất chủ trương “ba bám” của Đảng và nhà nước XHCN. Ông cho lột da cáo treo trên vách có khác gì chửi bố lãnh tụ tối cao HCM? Bởi vì dân miền Nam đã nhại lại một câu nói thường được phát thanh ra rả trên đài: “Chồn và cáo là một, hồ và cáo cũng là một… Lông có thể trụi, đít có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi!” Phân tích theo chủ trương “ba bám” mà TBĐ đã dạy cho các văn nghệ sĩ miền Nam phải theo, thì:

a/ Truyện vẽ “Hùng Vương” có tính dân tộc, đã hư cấu một cách có cơ sở về Hùng Vương, như là một người lao động chân chính… Với đôi tay và sức lực HV đã tự tạo cuộc sống ấm no cho mình và cho người khác…

b/ Truyện có tính hiện thực khi mô tả cuộc sống du canh du cư săn bắn hái lượm của người thời xưa, sau thời kỳ đồ đá.

c/ Nhưng truyện không những không có tính Đảng, mà trái lại còn ngạo mạn Đảng một cách có hệ thống.

Vật thì hai cái “tính dân tộc” và “tính hiện thực” chỉ là thứ cây kiểng bày ra cho có. Cho nên, như đoạn trên đã nói, dân miền Nam đánh giá chủ trương “ba bám” của Đảng và nhà nước XHCN với con “rận ba chân” thật chẳng oan uổng chút nào!


Toàn chuyện đầu voi đuôi chuột

Báo chí Việt Nam XHCN trong suốt 10 năm sau 30.4.1975 toàn những chuyện đầu voi đuôi chuột chẳng đâu vào đâu. Dân chán đọc báo, vì tin tức đã không xác thực, thực đơn giải trí thì rặt những: anh hùng Núp, anh Kim-Đồng, Thép đã tôi thế đấy (của Nhi-ca-lai Át-xto-rốp-xki), Truyện ở một huyện anh hùng (của A-léc-xây Tôn-xtoi), nữ anh hùng Nguyễn thị Chiên… Xem phim nội hoá thì toàn: chị Tư Hậu, Bão Biển, Đến hẹn lại lên, Ẩn diện thiền cô, Dòng sông hoa trắng, Nguyễn-Văn-Trỗi… Phim ngoại hoá thì: Trận Xta-lin-grat, Xcan-đéc-béc anh hùng An-ba-ni, Những người trên thảo nguyên… Toàn những thứ khó nuốt!


Song song với “luồng” giải trí do nhà nước cung cấp, có một “luồng” giả trí khác do tư nhân cung cấp, dĩ nhiên là lén lút… Người ta còn nhớ hồi đầu năm 1985 tại thị xã Cẩm-Phả, một công an viên có sáng kiến chiếu phim ngoài “luồng” cho bà con xem. Thời gian này món video chưa được phổ biến rộng rãi. Rạp là căn nhà kho của một xí nghiệp than trong vùng, còn máy và phim do công an viên thuê mướn. VCR Funai, hệ Pal, của Nhật. Chương trình chiếu phim được phổ biến, gồm hai phim: “Cuộc nổi dậy của công nhân nhà máy nước đá” và “Sự dẫy chết của chế độ tư bản”.


Dân vùng mỏ thiếu món giải trí bỏ tiền mua vé xem khá đông. Phim đầu “Cuộc nổi dậy của công nhân nhà máy nước đá” chính là phim “Đường Sơn đại huynh: do Lý Tiểu Long và Miêu Khả Tú đóng. Dân xem ai cũng thích… Nhưng đến phim thứ nhì thì ai nấy đều bật ngửa. “Sự dẫy chết của chế độ tư bản” chính là một phim “con heo”, hay “X film”. Chỉ tội mấy bà già nhìn sự dẫy chết đó mà phát khiếp! Còn bọn trẻ thì vỗ tay hoan nghênh sự dẫy chết có một cách vô cùng nồng nhiệt! Riêng công an viên nọ thì hốt bạc, hứa hẹn sẽ có một cuộc nổi dậy và một sự dẫy chết khác tích cực hơn!


Dân làm báo chuyên nghiệp, dù là đảng viên được biên chế vào cơ quan nhà nước, cũng rách… Cái nghiệp viết lách là thế. Chỉ có một số cai thầu báo – dù tư bản hay CS – là có của ăn của để mà thôi. Đi bước đầu trong việc “cải thiện” cho các cây bút trong cơ quan là Việt-Nam Thông-Tấn Xã, tại Hà-Nội. Cơ quan này tiếp nhận hằng ngày cả đống tin và bài do các hãng thông tấn nước ngoài gửi đi, nhưng lại chẳng sử dụng được bao nhiêu. Ban điều hành VNTTX mới nghĩ ra cách ấn hành thêm một tờ báo “tầm gửi” có tên “Văn hoá Thông tin”, chuyên dịch và đăng các món không được sử dụng trong báo Đảng, nhất là món thể thao và sưu tầm kiểu đường xa xứ lạ, với mục đích giải trí cho độc giả thèm đọc mà không có cái để đọc. Quả nhiên sáng kiến này được đón nhận nồng nhiệt. Nhiều báo cũng theo công thức đó, dần dần mở rộng trong cả nước. Nhờ sáng kiến này mà người viết có thêm chút cháo.


Sau khi Gorbachev đưa ra chủ trương cải cách, thì báo chí VN/XHCN cũng nương đà đó mà tiến lên. CS dù muốn cũng không cưỡng lại xu thế thời đại này, nhưng bằng cách này hay cách khác vẫn cố cầm chịch. CS cho phép đả kích tham nhũng, nhưng trong chừng mực nào đó. Dĩ nhiên CS cũng tương kế tạo một bộ mặt mới trong báo chí để dễ ăn nói với nước ngoài, dụ khi những ai muốn bỏ tiền đầu tư tại VN, nhất là những kiều bào ở nước ngoài, có thân nhân và bè bạn còn ở lại trong nước… Đây là một mặt trận……


…. Mình thì ở luôn trong toà báo, vài tháng được cấp vé máy bay khứ hồi vào Nam thăm vợ con.

Trong giới làm báo người miền Bắc sống trong Nam nhiều người còn thân nhân họ hàng ở Hà-Nội, đã được móc nối trong tinh thần gia đình, hoặc do bạn cũ, hoặc bạn cùng trường (Nguyễn Trãi, Chu-văn An, Ngô-Quyền, Albert Sarraut v.v…) nay có địa vị muốn giúp đỡ nhau, đồng thời cũng để lập công. Ngoài ra cũng có cái lợi sau này báo khá thì cũng có chỗ nhờ cậy trở lại.


Nhưng, cái kinh nghiệm của chiến dịch “truy quét văn nghệ sĩ chống cộng” trong tháng 4/1976, và những năm tù đầy do Đảng và nhà nước chủ trương đối với văn nghệ sĩ miền Nam nói chung trước đây, đã khiến cho những cây bút gốc Bắc hết ham cộng tác với nhà nước XHCN, dù cho thân nhân họ hàng hay bạn cũ có thuyết phục hay cam kết đến mấy. Vắt chanh bỏ vỏ, qua sông đấm “b…” vào sóng vốn là bản chất của CS, còn khuya mới có người tin. Nguồn tin nhận được cho tới ngày hôm nay, Hà-nội vẫn chưa tổ chức được một toà soạn theo kiểu miền Nam như dự tính. Không ai dám tin vào lời hứa, lời cam kết của CS. Người ta bảo nó “nhoen nhoẻn và nhờn như đít gà”!


Con nít hết còn tin

Đám con nít dưới chế độ CS cổ đeo khăn choàng đỏ, miệng hô: “Vâng theo lời Bác Hồ dạy, hãy sẵn sàng!” nhưng bụng thì hết tin lời Bác. Sách truyện của nhà xuất bản Kim Đồng dành cho thiếu nhi không biết biến đâu mất, mà thay bằng “Nin-gia Rùa”, bằng “Bạch Tuyết và bảy chú lùn”, cả bằng tiếng Việt lẫn tiếng Anh. Con cái cán bộ có máu mặt hầu hết đều được bố mẹ cho học tiếng Anh ngay từ lớp mẫu giáo! Một số sách của Tuổi Hoa xuất bản trước !975 được tái bản.


Đa số các báo đều dành đất cho thiếu nhi với những truyện, bài viết không còn thấy đề cao những gương anh hùng lẩm cẩm, như: chuyện cậu bé với cây súng gỗ đã khống chế cả một đội ngũ lính Tây! Hay thiếu nhi Lê văn Tám một mình lẻn vào trại giặc, mình tẩm đầy xăng, tự thiêu làm cây đuốc sống xông vào kho đạn Thị-Nghè. Kho đạn nổ tung, Tây chết cả mấy trăm người… Hay chuyện cậu bé người Gia-Lâm tẩm xăng vào đuôi mấy chục con trâu, đánh cho trâu chạy vào sân bay thiêu rụi kho xăng và toàn bộ máy bay địch đêm 19.12.1946! Thay vào đó, người ta thấy Tác-Giăng, Héc Quyn tái xuất hiện, ngạo nghễ trên các báo CS…


Đám trí thức Long-An, đa số là nhà giáo, còn đi xa hơn, ra hẳn những tập truyện bằng tranh (dĩ nhiên theo lối “tầm gửi”) về Đê-vy Croc Kết, người Dơi, Giô-Rô, hải tặc Vai-Kinh… Nhiều người nói rồi đây truyện Rambo bằng tranh chắc cũng sẽ được in… Riêng video, thì phim Rambo đã được “cho mướn lậu một cách thoải mái” từ lâu. Thật vậy, lậu vì là “băng trôi nổi ngoài luồng” bị nhà nước cấm, còn thoải mái vì chẳng ai xét…


Bọn công an khu vực hay cán bộ văn hoá thông tin sở tại nhiều khi còn đến tiệm cho thuê băng hỏi mượn. Nếu lâu lâu chúng có làm công tác kiểm tra tịch thu, thì ngay sau đó lại cho chuộc để lấy tiền nhậu nhẹt. Việc này có thật chẳng phải đặt điều. Chính người viết, có thời kỳ làm công tại một của hàng cho mướn băng thuộc quận Bình Thạnh, đã chứng kiến và cũng là người đem tiền đi chuộc băng Rambo về cho tiệm.


Đầu năm 1992, dự trù sắp đến ngày gặp phái đoàn Mỹ phỏng vấn, người viết làm một chuyến Bắc du, mục đích cáo yết tổ tiên, thăm mồ mả và thân nhân họ hàng cùng là đi lễ một số đền phủ… Trên “đường bao” (đường vòng đai quanh thành phố) dẫn tới Đền Ngô-Quyền ở thôn Lương Xâm thuộc Hải-Phòng, ghé vào một quán giải khát bên đường thấy trên bàn có một cuốn truyện bằng tranh với hàng tít: “Anh hùng trừ phỉ”. Nhìn xuống phía dưới ghi mấy hàng chữ là phụ bản của một tờ báo có tên lạ hoắc, nhưng cũng đoán chắc truyện in ở miền Bắc… Chỉ có dân miền Bắc mới xài chữ “phỉ” để chỉ bọn cướp bóc. Tò mò lật vài trang xem, nhìn mặt mũi các nhân vật trong tranh vẽ có nét quen quen… Xem đoạn đầu, đoạn giữa và đoạn cuối, tôi nhận ra ngay truyện “Gunfight at the OK Coral”, chụp lại từ một ấn bản nào đó của Mỹ hay Pháp, và dĩ nhiên kèm theo lời Việt. Tuy nét vẽ không sắc xảo lắm, nhưng tôi cũng nhận ra Kirk Douglas với cái xoáy nơi cằm.


Ít ngày sau đi Chùa Hương, ngồi trên con đò khởi hành từ Bến Đục (thuộc xã Hương Sơn) thấy cô lái đem theo một cuốn truyện dầy dầy, liền hỏi mượn xem trong lúc chờ đò đưa tới Đền Trình. Cũng lại một cuốn truyện tranh, màu sắc khá đẹp: “Giòng sông vĩnh biệt”, chẳng cần đọc cũng viết xuất xứ từ đâu, vì ngoài bìa là ảnh cô đào chiếu bóng Mỹ Marilyn Monroe, với mắt xanh môi mọng và bộ ngực ngồn ngộn mời chào!


Ưu việt kiểu XHCN

Một trong những cái quái gở trong nền viết lách XHCN là bất cứ việc gì từ nhỏ đến lớn của “phe ta” đều “ưu việt”, còn của phe tư bản đều vứt đi. Khoảng đầu thập niên 1950, một bác sĩ người Bắc Triều Tiên tên Kim Bon Han, tuyên bố đã giải phẫu tìm ra cấu trúc kinh mạch trong châm cứu. Theo Kim Bon Han hệ thống kinh mạch vận chuyển trong cơ thể tương tự như những ống dẫn hơi đốt, có thể nhìn thấy bằng mắt thường… Nhưng chỉ sau đó vài năm, một nhóm nhà bác học người Ý, sau khi giải phẫu theo cách hướng dẫn của Kim Bon Han, đã đi đến kết luận: bịp!


Nhiều tạp chí y học thế giới đăng tải “vụ việc” với đầy đủ chi tiết và bằng chứng về cái khám phá láo khoét của Kim Bon Han. Ấy thế mà gần 30 năm sau, vào năm 1980, Hà Nội vẫn cho in lại bản dịch cuốn sách “Khám phá về cấu trúc kinh mạch qua giải phẫu” của Kim Bon Han, để dạy trong trường đại học y khoa!


Cái hồi nhà máy điện nguyên tử Tréc-nô-bưn của Liên-Xô nổ, phóng xạ bay ngập trời, cả thế giới la làng về môi sinh… Nhưng trên tờ Nhân Dân, đám ký giả quốc doanh rất bình tĩnh khẳng định lò nguyên tử của LX an toàn số dách. Đám bồi bút còn chửi bới, từ đế quốc Mỹ tới thực dân Anh-Pháp, và luôn cả Ấn độ đã để cho lò hạch tâm rò rỉ làm chết hàng triệu người! Nhưng cũng sau đó không lâu lại thấy báo Đản kêu gọi nhân dân góp tiền mua gáo dừa viện trợ sang LX chế thuốc trị phóng xạ từ Tréc-nô-bưn. Rồi lại thấy loan tin Tp/HCM tiếp đón đợt đầu 1500 trẻ em LX bị nhiễm phóng xạ Tréc-nô-bưn sang điều trị tại VN.


CS cho phép báo chí được chửi bới tham nhũng và những tệ đoan xã hội, như là cách “xì hơi có bảo đảm”. Chính các tay chóp bu trong Đảng cũng lên tiếng kêu gọi diệt tham nhũng, và khẳng định đây là quốc sách. Diệt thì cứ diệt, nhưng tham nhũng vẫn cứ sống nhăn, vì tham nhũng như là bệnh cam tẩu mã, đã ăn lên đến óc, đến thượng tầng kiến trúc của Đảng và Nhà nước XHCN rồi. Người nào chửi tham nhũng mạnh nhất, người ấy lại chính là tham nhũng tổ cha.


Vào năm 1988, các trinh sát viên thuộc công an thành phố, sau nhiều ngày theo dõi đã khám phá ta tổ chức bán dâm của Ngô-Thị-Phú trong một quán giải khát gần ngã tư Phú-Nhuận. Công an ập vào, đưa trát bắt đàng hoàng, thì Ngô-Thị-Phú – lúc đó bận đồ ngủ - ung dung, không thèm đọc, nhét ngay cái trát bắt có đóng dấu đỏ lòm với sao vàng năm cánh tượng trưng cho uy quyền và bạo lực cách mạng, vào trong… xi-líp! Thời điểm này Nguyễn-văn-Linh tức Mười Cúc, đang viết những bài quốc kế dan sinh tràng giang đại hải trên báo Nhân Dân với tên tắt NVL… Nhân dịp báo Công An Tp/HCM đăng tin bố ráp trên, dân Sàigon liền đặt tên cho Nguyễn văn Linh là “Mông Xừ Nhét Vờ Lờ”.


Hơn lúc nào dưới chế độ CS sau 30.4.1975, các nhà văn nhà thơ xuất hiện như rươi… Nhiều văn tài thi tài quá, muốn ngoi lên khỏi đám bầy nhầy lúc nhúc xung quanh mình để cho đời biết mặt biết tên thật là khó. Nhưng với suy nghĩ có tính cơ bản trong sáng tạo, một số những cây bút đã động não tìm ra những cách riêng đưa mình lên vinh quang.


Một cuốn tiểu thuyết thuộc loại “ba lợi ích” XXX, do một công an viên miền Trung viết (có ảnh nhe răng cười và hàng tiểu sử in nơi bìa tư), phát hành đầy trên các sạp báo và nhà sách ở Sàigon… Gần một tháng chẳng ai mua… Lập tức tác giả thuê người chửi tàn tệ tác phẩm của mình trên báo Tuổi Trẻ, lên án cuốn sách dâm ô đồi truỵ, làm băng hoại các thế hệ tương lai XHCN, mà tác giả là tay sai gián điệp của Mỹ Nguỵ cài cắm có mục đích phá hoại tổ quốc VN/XHCN v.v… Nhờ bài chửi đó, ba ngày sau sách bán hết không còn một cuốn!


Sách truyện của Dương Thu Hương và một số tác giả khác cũng na ná… Nếu không có báo chửi thì chẳng có ma nào chịu bỏ tiền mua. Cho nên viết lách ở VN/XHCN càng được báo Đản chửi bao nhiêu là càng có giá trị bấy nhiêu. Tất nhiên người ta cũng không loại bỏ việc CS giả vờ chửi để thực hiện một mưu đồ nào đó, chẳng hạn….

 

T/g: Tô Ngọc


(Nguồn: trích bài văn từ nhà báo Tô Ngọc)

34 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Trích đoạn phỏng vấn của nhà báo Tô Ngọc

Kính gửi anh Diệu-Tần, Xin gửi anh bài trả lời phỏng vấn theo yêu cầu. Riêng việc đăng ảnh tôi trên báo thì xin anh miễn cho. Đây không...

Vui buồn với văn nghệ Tiền Phong

Tiền phong của VNTP hải ngoại hôm nay là tờ "Gió Mùa", xuất bản tại Đà Lạt trước năm 1954, cũng do anh Hồ-Anh Nguyễn-thanh-Hoàng làm chủ...

Comments


bottom of page