top of page
  • Ảnh của tác giảAmy Duong, Nikkiduong

Trích đoạn phỏng vấn của nhà báo Tô Ngọc

Kính gửi anh Diệu-Tần,

Xin gửi anh bài trả lời phỏng vấn theo yêu cầu. Riêng việc đăng ảnh tôi trên báo thì xin anh miễn cho. Đây không phải là chuyện khiêm tốn, nhưng bản tính tôi xưa nay như vậy, mong sẽ được anh thông cảm.

Thân ái,

Tô-Ngọc

Bài trả lời

1. Hỏi: Xin anh cho biết qua, anh đã cộng tác với những bào nào trước năm 1975 và từ khi định cư tại đây, anh đã viết cho những báo nào?


Đáp: Tôi chính thức gia nhập “hàng ngũ viết lách” vào năm 1959 tại Sàigon. Là biên tập viên của các báo: Văn-Nghệ Tiền-Phong, Khoa-Học Huyền-Bí, Ngôn-Luận, Chính-Luận, Tân-Luận, Chọn-Lọc, Tiểu-Thuyết Thứ Năm, Bạn Gái Sàigon v.v… Khi định cư tại Mỹ, tôi cộng tác với các báo: Chiến-Sĩ Quốc Gia, Đất Đứng (San Jose, CA), Văn-Nghệ Tiền-Phong (Arlington VA), Thế-giới Ngày Nay (Wichita KS), Diễn-Đàn Phụ-Nữ, Saigon Post (Nam Cali), Quốc-Gia (Montreal Canada), Quyết-Tâm (Hoà-Lan) …

2. Hỏi: Qua những bài anh viết về ẩm thực, độc giả đoán anh phải là người sành ăn, và anh có văn phong như Vũ-Bằng cộng thêm chút vui tươi tế nhị. Anh có định cho xuất bản một cuốn sách tả “Miếng ngon miền Bắc” không?


Đáp: Tôi không phải người sành ăn, nhưng hay tò mò tìm hiểu ngọn nghành những món tôi ưa thích. Trong giới cầm bút, về sành ăn phải kể đến các cụ Tản-Đà Nguyễn-Khắc-Hiếu (trước 1975 có một con đường mang tên Tản-Đà trong Chợ-lớn nơi qui tụ nhiều nhà hàng nổi tiếng như Thiên-Hồng tức Arc-en-ciel, Thẩm Ký v.v…), cụ Nguyễn-Tuân, cụ Vũ-Bằng… Là kẻ sinh sau đẻ muộn, kinh nghiệm và kiến thức không có bao nhiêu, thực tình tôi không dám có ý so sánh với các bậc cha chú.

Về miếng ngon miền Bắc thì có nhiều, hầu hết qui tụ tại Hà-Nội, đã được cụ Vũ-Bằng mô tả trong “Miếng ngon Hà-Nội”. Do đó, nếu tôi xuất bản một cuốn sách như anh nêu – cho dù có những khác biệt nào đó – thì chẳng khác nào “đánh trống qua của nhà sấm”, chỉ tổ làm trò cười cho bàn dân thiên hạ!


3. Hỏi: Sau năm 1975, chắc anh có dịp tiếp xúc với các nhà báo, biên tập viên, phóng viên… từ miền Bắc vào. Theo anh trình độ kiến thức và trình độ nghiệp vụ của họ ra sao?


Đáp: Trước khi bị bắt trong chiến dịch “truy quét văn nghệ sĩ chống cộng” vào tháng 4/1976, tôi có tiếp xúc với một số đồng nghiệp ngoài Bắc vào Nam công tác. Hầu hết họ thuộc loại “ngoan ngoãn, bảo sao nghe vậy”. Trình độ kiến thức, nghiệp vụ cũng như tầm nhìn của họ đối với thế giới bên ngoài rất hạn chế, nhưng họ có rất nhiều mánh khoé luồn lách nhằm mục đích xoay tiền, nhất là đối với các chức viên chức địa phương…

Một thiểu số khác, do quen biết từ trước 1954, có dịp quan hệ với giới làm văn học nghệ thuật miền Nam, phần nào đem lại cho họ những cái nhìn đúng đắn hơn, nhưng sọ bị phê bình kiểm điểm, sợ bị đánh giá “chao đảo, mất lập trường” nên cũng chẳng dám viết gì khác ngoài đơn đặt hàng của CS. Sau này do chủ trương “đổi mới” của CS, một số ý kiến khác biệt với đường lối của CS trước đây được phản ánh trên sách báo, nhưng tìm hiểu kỹ thì nguyên nhân chính thức đều là giành ăn, phe nọ tố phe kia. Ngoài ra ta cũng không nên loại bỏ sự kiện CS cố tình tạo ra những “đối lập cuội” để đánh lừa dư luận trong và ngoài nước. Với CS thì “cứu cánh biện minh cho phương tiện”!

4. Hỏi: Các văn nghệ sĩ nhà báo miền Nam thuộc loại nằm vùng và thiên cộng, theo anh biết, sang thập niên 90 này, vị thế và tâm trạng họ biến chuyển ra sao?


Đáp: CS chỉ tin tưởng ở đám “con đẻ” tức đảng viên do CS đào tạo, còn thứ “con nuôi” hay “ngoại đạo” (danh từ các văn nghệ sĩ dưới chế độ CS thường dùng) thì chỉ xài trong một giai đoạn nào đó. Sang thập niên 90, có thể khẳng định đa số các văn nghệ sĩ thuộc loại này đều chán nản, muốn có sự thay đổi nào đó, nhưng họ ở vào tình thế chẳng đặng đừng thì đành phải nín nhịn…


5. Hỏi: Các văn nghệ sĩ miền Bắc vào Nam sau 1975 như Huy-Cậnm Chế-Lan-Viên, Nguyễn-Tuân… chắc anh có gặp? Xin anh kể lại một vài mẩu chuyện về họ.


Đáp: Tôi có gặp hai vị đó là cụ Nguyễn-Tuân và Thế-Lữ (Nguyễn-Thứ-Lễ). Riêng cụ Ngọc-Giao (Nguyễn-Huy-Giao) thì năm 1992 nhân dịp ra Hà-Nội tôi tới thăm cụ tại ngôi nhà mới mua sau này, gần khu nhà máy đèn Hà-Nội (nay hết hoạt động), nhưng tiếc không được gặp. Trước 1954, gia-đình cụ Ngọc-Giao sống trong một ngôi nhà có gác trên con đường nhỏ thông từ phố Quan Thánh sang phố có chiếc cổng thành phía Bắc nơi lãnh phát đạn đại bác đầu tiên còn ghi dấu, do quân Pháp bắn khi tấn công Hà-Nội vào thế kỷ trước. Ngôi nhà mới của cụ Ngọc-Giao thì trước 1954 là của gia đình anh Lê-Thanh-Phong, sau là sĩ quan cấp tá trong QL/VNCH. Tôi cũng là bạn học cùng trường Chu-Văn-An với anh Nguyễn-Ngọc-Dzu, con trai cụ Ngọc-Giao.

Các cụ Nguyễn-Tuân, Thế-Lữ và Ngọc-Giao đều là bạn văn nghệ với thân phụ tôi, khi nhỏ tôi thường đóng vai tiểu đồng hầu trà các cụ. Riêng cụ Thế-Lữ, còn là thày dạy chữ Nho cho tôi khoảng từ tháng 4/1946 cho tới ngày toàn quốc kháng chiến 19.12.1946 tại Hà-Nội.

Tôi có hỏi cụ Nguyễn-Tuân về việc cụ bị CS “hỏi thăm sức khoẻ” sau khi theo phái đoàn CS đi Phần-Lan (năm 1957) về nước viết một bài ca tụng phở, thì cụ cười vỗ vai tôi, nói:

- Cháu ạ, có gì đâu… Chả là vì dân miền Bắc lúc đó đói rã họng, phải ăn độn đủ thứ… Củ khoai, củ sắn, củ mài, lẫn củ chuối! Đang có phong trào vận động “ăn trộn” thế mà bác lại phang một bài ca tụng phở làm mấy ông khó chịu… Mấy ông kết tội bác chưa tiến bộ, chưa giác ngộ, hãy còn cái đuôi “tạch tạch xè” (tiểu tư sản) dài lê thê!

Về cụ Thế-Lữ, tôi nói tôi có đọc một số bài báo viết về hoạt động kịch nghệ của cụ và bà Song-Kim (vợ cụ Thế-Lữ) trong thời gian kháng chiến, tôi cũng nói rất thích bài “Tiếng sáo Thiên-Thai” cụ làm trước đây và được Phạm-Duy phổ nhạc.

Tôi nói:

- Bài “Thiên-Thai” của bác Văn-Cao là một bức tranh thuỳ mạc cho thấy cảnh non Bồng nước Nhược… Nhưng “Tiếng sáo Thiên-Thai” thơ của thày hoà hợp với nhạc Phạm-Duy, nhịp Tango Habanera, thì con có cảm giác chính con là Lưu-Thần Nguyễn-Triệu… thày ạ!

Cụ Thế-Lữ cười nhỏ nhẹ:

- Anh nói qua đáng! Giờ đây làm gì còn có Thiên Thai nữa…

Rồi bỗng cụ hỏi tôi:

- Ngoài bài trên, anh có thuộc bài nào khác không?

- Dạ có… Bài “Lời con hổ trong vườn bách thú”…

Đáp xong, tôi đọc lại bài thơ mà tôi thuộc từ hồi còn đi học.

Cụ yên lặng, mắt rưng rưng… Rồi, cụ khẽ nói với tôi:

- Bây giờ già rồi, trí nhớ kém, thày cũng còn chỉ còn nhớ… độc có bài đó mà thôi!


6. Hỏi: Nhiều người cho biết rằng ngôn ngữ ở bên nhà do chế độ chỉ huy kiểm duyệt, bây giờ đã đổi khác. Họ cho rằng họ đã từ “du kích” trở thành “chính qui hiện đại” rồi. Họ đã bỏ bớt ngôn từ Trung-Hoa cộng-sản và dùng lại nhiều từ có trước năm 1975 ở miền Nam như: phu-nhân, tướng lãnh… Như vậy theo anh chúng ta có chút hy vọng nào là ngôn ngữ Việt-Nam dần dần sẽ trong sáng trở lại không?


Đáp: Đây là một vấn đề hết sức tế nhị. Công tâm mà nói về vấn đề dùng chữ, nhất là các từ Hán-Việt, thì cả hai miền Nam và Bắc đều có những cái đúng và những cái chưa đúng hoặc hoàn toàn sai, nhưng vì nói riết đâm quen miệng và rồi khăng khăng tự cho mình là đúng.

Thí dụ:

Bắc: đi khẩn trương – Nam: đi mau lên.

Bắc: máy bay lên thẳng - Nam: phi cơ trực thăng.

Bắc: quý 1 – Nam: đệ nhất tam cá nguyệt.

Bắc: phòng thương nghiệp – Nam: phòng thương mãi

Bắc: tổ quốc ghi công- Nam: tổ quốc ghi ơn

Bắc: truyện khoa học viễn tưởng – Nam: truyện khoa học giả tưởng.

Bắc: xe ra vào thường xuyên – Nam: xe ra vô thường trực

Bắc: đăng ký – Nam: ghi danh, ghi tên v.v…

Theo tôi cần phải có một hàn lâm viện lo về việc chữ nghĩa này. Ngoài các nhà ngôn ngữ học, khoa bảng còn phải có sự đóng góp của đông đảo quần chúng nhiều địa phương. Năm 1931 Hội Khai Trí Tiến Đức tại Hà-Nội có soạn bộ “Việt-Nam từ-điển”, được coi là một công trình tu thư có giá trị. Sau này nhiều học giả soạn những bộ từ điển khác, nhưng nhiều chỗ chú giải không đồng nhất, nhất là các từ địa phương. Một từ mà chính tôi hiện không biết nên theo ai: các từ điển tiếng Việt do Hà-Nội và một số khác do Sàigon xuất bản trước đây đều viết NỀN NẾP, trong khi từ điển của Thanh-Nghị (cũng xuất bản tại Sàigon) thì ghi NỀ NẾP.

Việc CS đã buộc lòng phải dùng lại những từ miền Nam trước 1975 cho ta thấy trên mặt trận văn hoá người Việt quốc-gia đã dành được phần nào thắng lợi.


7. Hỏi: Nguỵ quyền Hà-Nội mới đây có chủ trương là phải sửa đổi lại cách viết báo, loan tin. Họ tự phê bình và nhận xét những tờ báo nhằm vào độc giả ngoại quốc và người Việt hải ngoại: “Nói chung thì rất nhiều bài vở thường viết dài dòng, tẻ nhạt, đọc chán ngắt.” Tại sao họ phải có chủ trương sửa đổi này?


Đáp: Ta có thể ví CS như con thò lò sáu mặt, quay quắt, trở mặt như trở bàn tay. Trước đây Trương Tửu đứng trên lập trường Mác-xít chửi “Truyện Kiều” và Nguyễn-Du, được CS phụ hoạ, khẳng định “Truyện Kiều” là sản phẩm bẩn thỉu của chế độ phong kiến cần phải dẹp bỏ… Nhưng sau này do nhu cầu trính trị, CS trở lại nắc nỏm tôn vinh “Truyện Kiều” hơn bất cứ ai!

Việc CS tự phê bình và chủ trương sửa lại cách viết báo loan tin v.v… theo tôi, chỉ là một trong những chiến thuật nằm trong chiến lược chính trị nhằm lôi kéo những người nhẹ dạ cả tin. Nhưng dù sao thì đó cũng là một thắng thế của xu hướng tự do dân chủ, đã bẻ gẫy – ít ra về mặt hình thức – cái mà CS vỗ ngực tự hào là “khuôn vàng thước ngọc” trong nghành truyền thông XHCN.

Một giọt nước chẳng làm nên cơm cháo gì, nhưng một đốm lửa có thể thiêu rụi cả khu rừng rộng lớn… Hy vọng việc “sửa sai” do nhu cầu chính trị của CS sẽ “lộng giả thành chân”, sẽ là đốm lửa nhỏ, chẳng chóng thì chày, sẽ đốt cháy tan tành chủ thuyết phi nhân XHCN tại quê hương Việt-Nam thân yêu.

22/10/1996

22 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Viết lách Sàigon - Hà Nội sau 30.4.1975

Tô Ngọc Chủ trương “ba bám” Cộng sản sau khi chiếm được miền Nam, liền đem ngay món “văn hoá ưu việt xã hội chủ nghĩa” vào, hý hửng tưởng...

Vui buồn với văn nghệ Tiền Phong

Tiền phong của VNTP hải ngoại hôm nay là tờ "Gió Mùa", xuất bản tại Đà Lạt trước năm 1954, cũng do anh Hồ-Anh Nguyễn-thanh-Hoàng làm chủ...

Comments


bottom of page