Thưa chị Tô Ngọc,
Thưa quý vị,
Nhiều người thường nói sống lâu buồn lắm, vì càng già càng khổ và bạn bè lần lượt “ra đi”, đến khi mình nằm xuống không còn ai tiễn đưa. Anh Tô Ngọc cùng tuổi với tôi và anh đã ra đi trước mà tôi không tới tiễn đưa anh được. Hôm nay, lễ tưởng niệm anh, tôi cũng không có mặt, dù rất muốn chính mình đứng đây, nói vài lời tiễn đưa anh, người bạn hơn 60 năm qua, một trong vài người thân nhất với tôi, dù đã trải qua biết bao biển dâu, chìm nổi.
Tôi đã vắng mặt trong tang lễ, và hôm nay cũng không tới được vì lực bất tòng tâm. Tôi ở miền đông xa xôi không thể tới đây bằng xe hơi mà từ hơn hai năm nay tôi đã không còn lên máy bay để đi đâu xa. Trong trường hợp này tôi nghĩ chị Tô Ngọc cũng hiểu và không buồn trách tôi.
Quả đúng như vậy, khi nghe tôi nói vì lý do sức khỏe không đi được, chị hiểu ngay không phải là một lời “cáo lỗi” suông cho có cớ và còn cho biết anh Tô Ngọc có nói với chị “Sơn Tùng là người bạn tri kỷ”. Tôi thật cảm động và nghĩ rằng anh Tô Ngọc đã nói với chị nhiều về tình bạn giữa chúng tôi. Do đó chị hiểu sự chân tình của tôi, nên chị đã ngỏ ý muốn tôi viết một bài cảm nghĩ về cuốn Tuyển tập “SỰ ĐỜI” của anh Tô Ngọc.
Tôi ngạc nhiên vì chưa biết và chưa nghe ai nói về cuốn sách này. Hỏi chị Hồng Ngọc, chị cho biết Tuyển tập này đã do chính chị vừa chọn lọc trong những bài anh Tô Ngọc viết đã đăng rải rác trong Tạp chí Chính Văn.
Khi nhận được cuốn Sự Đời do chị Hồng Ngọc chuyển qua Internet, tôi đã đọc ngay và rất cảm phục chị đã đứng vững trong khi bàng hoàng và khổ đau trước sự ra đi đột ngột của người chồng đang sống bên nhau tràn đầy hạnh phúc, như chị đã chân thực viết ra trong bức thư ngắn báo tin cho bằng hữu.
Tôi càng cảm phục chị hơn khi đọc xong cuốn Sự Đời vì những bài chị chọn để đưa vào Tuyển tập này chính là hình ảnh của Tô Ngọc và tư chất con người của Tô Ngọc.
Thực vậy, hình ảnh Tô Ngọc đã hiện ra qua mỗi trang sách, và mỗi dòng chữ như đã biến thành lời nói của Tô Ngọc với âm sắc trong và cao mà tôi đã thân quen từ nhiều năm qua, không thể lầm với giọng nói của ai khác. Anh phát âm nhanh nhưng rõ ràng và mạch lạc, bộc lộ tâm tính của loại người năng động, trung hậu và ngay thẳng. Có lẽ đó là lý do mà chị Hồng Ngọc đã gọi đùa bạn tôi là “quân tử tàu”!
Khi tôi đọc cuốn Sự Đời, với hình ảnh Tô Ngọc trước mặt và tiếng nói Tô Ngọc bên tai, tôi đã lần lượt biết được nhiều điều nhiều chuyện mà tôi chưa hề biết, vì chưa nghe ai nói và chưa thấy ai viết. Hay đã có người nói và có người viết, nhưng tôi đã không nghe và không đọc vì còn lo dùng thì giờ vào những việc mà tôi nghĩ là “quan trọng hơn’, “cao cả hơn”, và đã tự tin vào kiến thức của mình.
Bây giờ, đọc xong cuốn Sự Đời, tôi mới nhận ra là mình đã sai lầm, và thiếu hiểu biết về nhiều mặt, nhiều khía cạnh trong “cuộc sống quanh ta”, mà nay, nhờ những bài viết thú vị trong Tuyển tập Tô Ngọc, sự hiểu biết của tôi được mở rộng thêm nhiều, và thật là đáng ngạc nhiên, những thiếu sót trong kiến thức của tôi đã được bổ túc qua một cuốn sách non 300 trang mà tôi đã thưởng thức như một món ăn tình thần hiếm có.
Thật vậy, những đề tài được nói tới trong cuốn “Sự Đời” hầu hết là những chuyện trong đời sống quanh ta, gần ta, hay của chính ta, như “Ngứa và gãi”, “Bắc Kỳ rau muống”, “Cái khoái thư tư”, “Chửi”, “Háo danh”, “Hầu bóng”, “Khoe khoang”, “Nói phét”, “Rượu và đàn bà”, và thuốc phiện, vân vân...
Qua những đề tài có vẻ tầm thường ấy, Tô Ngọc đã đào sâu, mở rộng tới mọi ngõ ngách, hang hốc liên quan đến chủ đề, đến lịch sử, thời sự, triết thuyết, đến những chuyện xưa và nay, từ Đông sang Tây, kể cả chuyện ma hiện hồn, nhưng không phải là chuyện bịa đặt, nhảm nhí.
Sau ngày 30 tháng 4, 1975, Tô Ngọc bị đi “học tập cải tạo” 13 năm nên trong “Sự Đời” không thể thiếu những chuyện liên hệ tới đời sống trong trại tù cộng sản ở Việt Nam. Tuy nhiên, viết về những chuyện trong tù, ngòi bút Tô Ngọc không gay gắt, thù hận, mà chỉ “vuốt nhẹ” thôi nhưng có thể đau tới tận xương tủy, trong đó có những chuyện thật về các anh hùng “liệt sĩ”, như Lê Văn Tám, Nguyễn Văn Bé, và đặc biệt là trường hợp Nguyễn Văn Trỗi, đã được bộ máy tuyên truyền của đảng CSVN dựng ra, tô vẽ thành những thần tượng cao đẹp tuyệt vời để quyến rũ, thúc đẩy thanh thiếu niên trên cả hai miền Bắc và Nam VN dấn thân vào chỗ chết.
Sự thật về “liệt sĩ” Nguyễn Văn Trỗi, qua ngòi bút tả chân của Tô Ngọc đã trở thành một câu chuyện cười ra nước mắt, có một không hai về số kiếp hẩm hiu của người dân VN trong chiến tranh, và về “tài nghệ láo phét” của tuyên truyền cộng sản.
Sau khi dẫn lời nhân chứng có thẩm quyền để lật tẩy câu chuyện về Nguyễn Văn Trỗi, một thợ điện không dính dáng gì tới VC, đã bị bắt và nhận tội gài mìn mưu sát Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ McNamara vào năm 1964, Tô Ngọc viết tiếp:
Cái hôm đem Trỗi ra bắn, duy nhất chỉ có một nhà báo tham dự: ký giả Lâm Thao của tờ báo quân đội (Tiền Tuyến). Nguyễn Văn Trỗi mặt mày xanh như tầu lá, run rẩy đi không vững. Thật tội nghiệp cho anh ta. Một Thượng Tọa tới cầu nguyện, anh ta lắc đầu. Có lẽ Trỗi thấy nhà chùa không có thế lực, nên khi một linh mục xuất hiện (nếu tôi nhớ không lầm thì là cha Hoàng Yến, nguyên Hiệu Trưởng trường Saint Joseph Hải Phòng, nguyên Hội Trưởng Hội Bảo Vệ Luân Lý thời Ðệ Nhất Cộng Hòa) thì Trỗi quỳ mọp xuống, ôm lấy hai chân vị linh mục kêu van xin cứu mạng. Nhưng khi vị linh mục nói rằng ông chỉ có thể cứu phần hồn của Trỗi, chứ không thể cứu Trỗi khỏi tội nơi trần thế, thì Trỗi từ chối phép rửa tội. Chân tay rũ liệt mềm như bún, người ta phải xốc nách kéo lết đưa Trỗi tới chỗ hành quyết. Mặt Trỗi xám ngoét, mắt lạc thần trắng rã vì sợ, miệng lắp bắp kêu oan nhưng không ra tiếng... Âý thế mà không hiểu sao ngay sau khi Trỗi chết, cả "nước Sài Gòn" đã loan truyền tin Trỗi hùng dũng hô to trước khi bị bắn: "HCM muôn năm, VNDCCH muôn năm!" Còn trên báo "Nhân Dân" xuất bản tại Hà Nội, nhà "thi sĩ máy" Tố Hữu đã bấm nút "xịt" ra ngay một bài thơ ca tụng Trỗi trong đó có câu: "Phút lâm chung anh gọi Bác ba lần!"
Cho tới bây giờ, sau hơn 50 năm, hầu hết dân Việt Nam vẫn còn tin vào câu chuyện về “liệt sĩ” Nguyễn Văn Trỗi do tuyên truyền của CSVN bịa đặt, cùng với những chuyện hoàn toàn tưởng tượng về Lê Văn Tám, về Võ Thị Sáu, Nguyễn Văn Bé, và nhiều “anh hùng liệt sĩ” khác đã được in trong nhiều sử sách của của CSVN..
Trước 30 tháng 4, 1975, tôi biết Tô Ngọc là một nhà báo yêu nghề, có lương tâm, có lý tưởng và chịu khó tìm tòi, học hỏi, nên có kiến thức rộng, hiểu biết nhiều, nhưng không ngờ anh còn là một kho chuyện sống bao gồm cả đông, tây, kim, cổ mà cuốn Sự Đời chỉ là một phần.
Anh Tô Ngọc đã vội vã ra đi, trong nỗi thương nhớ và mất mát to lớn tột cùng của chị Hồng Ngọc, chị đã không bị gãy đổ mà còn sáng suốt và đủ năng lực hoàn thành Tuyển tập Sư Đời để ra mắt trong Lễ Tưởng niệm anh hôm nay.
Một việc làm rất đáng ca ngợi, và trên cõi Niết Bàn, chắc anh đang mỉm cười thanh thản đã giũ sạch nợ trần gian.
ST
Ảnh hưởng ông Cụ thân sinh, cụ Ngô văn Thuật Kịch tác gia vào những năm của thập niên 1930,qua văn hóa dựng lên những vở kịch để mong muốn nói lên những hủ tục, thói quen thượng đội ha đạp tranh đấu cho công bằng, của xã hội VN thời bây giờ, thời pháp thuộc… cụ đã bị kiện và từ đó là động lực thôi thúc cụ học Luật để có Phương tiện tìm công bằng cho những người bị hà hiếp. Cụ đã được bổ làm Quận Tham tán (thẩm phán Hà nội...) và khi di cư vào Nam cụ được bổ làm Chánh Lục sự Toả thượng thầm Đà lạt... và vẫn tiếp tục sáng tác nhiều vở kịch, đạo diễn kịch (Bà Hồ Điệp cũng là một trong những bạn diễn trong ban kịch /ngâm thơ của cụ). Hy vọng sẽ được tài bản tại Hải ngoại.
Anh To Ngọc đã theo nghiệp văn học của Cụ thân sinh chiều hướng phiếm luận nói lên những hủ tục của xã hội... mong gop vào nâng cao Dân trí anh chọn viết nhiều cho thanh Thiếu niên với Tâm ý góp một chút giáo dục qua truyện (Mai Bé Bi) Bé Ngôn Bé Luận (vì vậy đã bị Cộng sản ghép vào tôi nặng) anh chuyên về dịch thuật Kiến thức... từ do anh đã học được nhiều Kiến thức, và được Bạn bè cho danh xưng Leader maker và cũng chuyên về truyện kinh dị... cũng một thời được yêu thích.
Anh cũng là một Cảnh sát mật vụ thực hiện những đặc vụ... Năm 1975 anh ứng cử Dân biểu… và đã được Cựu Tổng thống phu nhân chấm là ứng cử viên sáng giá không phải vì anh là cháu của cụ NGÔ HÙNG DIỄN mà vì nhân cách và khả năng.
Cuối cùng vào tuổi cuối đời anh tâm sự với vợ “Xã hội là như thế rồi - 100 năm trước cũng thế ..mình chẳng thay đổi gì được đâu ,khi mới ra làm báo, anh đã viết nhiều mong mỏi thay đổi được một chút mong muốn xã hội tốt đẹp hơn ...những...xã hội là như thế rồi cuối cùng cũng chỉ là ba chữ THAM SÂN SI.
Và Anh đã hướng nhiều về Triết lý Đạo Phật, (anh đã học ở Đại học Vạn Hạnh phân khoa Phật Giáo), mong cùng vợ mở được một Đạo tràng ở ALABAMA vì ở đây chưa có Chùa…nhưng cũng chỉ là ước mơ vì và vì
Anh ước mơ thực hiện nhiều lắm ước mơ có chỗ thở Hùng Vương, Tam thánh, những vì tướng đã hy sinh...ở Hải ngoại để giữ lại Văn Hoá Việt Nam... nhưng không dám thực hiện vì... và vì…
Anh ước mơ Thân tâm thường An lạc …nhưng đã không An lạc khi vợ phát hành giai phẩm Chính Văn!
Anh đã giữ trọn đạo Hiếu, bổn phận với đứa con trên cả trách nhiệm…trọn vẹn được với tình vợ chồng với mối tình năm xưa… đối xử với bạn bè, xã hội luôn giữ chữ SĨ và Chính nhân quân tử.
Một người Quốc Gia chân chính, không bao giờ về VN.
Tác phẩm cuối đời 'Sự đời' phiếm luận cũng nói lên được những hủ tục tầm thường nhưng bình thường của xã hội khó thay đổi, cũng như những chiêu trò My dân của chế độ Cộng sản Việt Nam .
Những năm cuối đời anh đã NGỘ, an cư hướng dẫn vợ và cùng vợ sống một cuộc sống của một triết gia Mỗi buổi chiều trong buổi cơm, nhâm nhi rượu Vang với Vợ, trao đối với nhau nhưng cũng là hướng dẫn vợ về triết lý cuộc đời,hài lòng với cuộc sống an cư, không email. không tel không màng thế sự...ngoài đọc những tác phẩm về Đạo, anh nói đề đầu tư cho cuộc đời kiếp sau và nghe vợ khoe...Hoa đã nở nhiều năm này em trồng được hai trái Cà…em đã trồng nhiều hoa tulip và Tiên Ông tháng hai mình sẽ có Hoa nhiều lắm...vợ mới mua được đồ rẻ mà đẹp nè chồng ơi!
Tất cả Tham Sân Si... rồi cũng chỉ là một nắm tro tàn!
Comments