Môn học về tiếng mẹ đẻ của một dân tộc là giá trị tiêu biểu về tính nhân văn của con người và đất nước đó. Thử mở chương trình học về ngôn ngữ bản xứ của các nước có gia tài đồ sộ về ngôn ngữ và văn chương sẽ thấy rõ ràng sự nhất quán về danh xưng của môn học tiếng mẹ đẻ từ cấp tiểu học đến đại học của xứ đó: Trung Văn (中文), Anh Văn (English), Pháp Văn (Française)... Việt Văn (Ngữ Văn)! Các danh xưng Trung Văn, Anh Văn, Pháp Văn… đều có lịch sử suốt nhiều trăm năm; chỉ riêng lịch sử Ngữ Văn thì phải tính bằng số chục.
Ngữ Văn là gì và việc sử dụng nhóm chữ nầy để gọi môn học tiếng Việt trong nhà trường như hiện nay có đúng hay không?
Trên những trang mạng hành chính Giáo dục Việt Nam có sự xác định về môn học “Ngữ Văn” như sau: “Ngữ văn là môn học thuộc lĩnh vực giáo dục ngôn ngữ và văn học, được học từ lớp 1 đến lớp 12. Ở cấp tiểu học, môn học này có tên là Tiếng Việt; ở cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông có tên là Ngữ văn.”
Và Ngữ Văn được định nghĩa:
“ Ngữ Văn là khoa học nghiên cứu một ngôn ngữ qua việc phân tích có phê phán những văn bản lưu truyền lại bằng thứ tiếng ấy.” Mặc dầu nội hàm định nghĩa nầy vừa thiếu chuẩn xác về tính “khoa học”, vừa mơ hồ về tính ứng dụng và thực hành nhưng nó đã nói lên một điều không thể phủ nhận được rằng: Ngữ Văn là một bộ phận của toàn văn.
Việc dùng nhóm chữ (mà ngôn ngữ thời thượng trong nước hiện nay gọi là cụm từ) “Ngữ Văn” để thay cho Quốc Văn, Việt Văn hay Văn Học là một quá trình chọn lọc chưa họp lý và thiếu trong sáng cần được xét lại về cả hai mặt danh xưng và ngữ học.
Về mặt ngữ học thì Ngữ (語) là một danh từ Hán Việt, nếu đứng một mình thì có nghĩa là lời nói hay dòng văn. Nếu ghép với một chữ khác như ngữ pháp, ngữ âm, ngữ cảnh, ngữ học, ngữ vị… thì ngữ sẽ biến tướng thành một chức năng, một sự so sánh, một nguồn phân tích trong lĩnh vực ngôn ngữ. Nếu Ngữ đi với Văn thì sẽ biến thành một một môn học: Ngữ Văn học (語文學). Khi song song, khi kết hợp với các ngành khác như Văn Hiến học (文獻學), Văn Tự học (文字學) thì Ngữ Văn được xem như một loại Bác Ngữ học mà tiếng Anh gọi là Philology. Như thế, về mặt danh xưng, trước sự kiện đem một ngành học của ngôn ngữ ra làm đại diện bao trùm cho cả ngôn ngữ của một dân tộc văn hiến như tiếng Việt để dạy dỗ và đào tạo trong môi trường giáo dục toàn quốc có cả trăm triệu dân thì có hợp lý hợp tình hay chăng?
Đã nhiều nghìn năm qua, tiếng Phạn, tiếng Pali, tiếng Trung Quốc, tiếng Việt… đã có từ dạng sơ khai - phát ra âm thanh đến mức trừu tượng - ghi dấu bằng ký hiệu vẫn không ngừng đổi mới. Có những ngôn ngữ hưng thịnh và vang bóng một thời như tiếng Phạn (Sanskrit) ở châu Á, La-tinh ở châu Âu, Mayan ở châu Mỹ… nay trở thành tử ngữ, vì không còn ai dùng làm phương tiện trong sinh hoạt đại chúng thời nay. Ngược lại, cũng có những sinh ngữ có khuynh hướng thành “thế giới ngữ” như tiếng Anh thời hiện đại. Và cái hệ quả không thể nào tránh khỏi là tiếng nói càng được dùng nhiều chừng nào thì sự biến đổi càng nhiều chừng đó như tiếng Anh hiện nay trên toàn thế giới có tới 160 “kiểu cọ” dùng tiếng Anh khác nhau và ngay trong nước Mỹ cũng đang có 7 lối nói tiếng Anh không giống nhau như Tiếng Anh chính thống, tiếng Anh Bắc Mỹ, tiếng Anh Nam Mỹ, tiếng Anh của người Mỹ gốc Phi Châu… Có những sự biến âm và biến thể phức hợp hơn như English ở Singapore đang thành “Singlish”!
Quan điểm cấp tiến trong lĩnh vực ngôn ngữ thời đại toàn cầu hoá ngày nay là nên “xòe rộng bàn tay” để đón nhận những luồng gió mới trước hiện tượng du nhập, tìm kiếm, sáng tạo và phiên âm hoá những từ mới cho ngôn ngữ bản xứ. Tiến trình hội nhập, chắt lọc, đào thải… tự nhiên sẽ làm công việc của một kiểu cách hàn lâm viện ngôn ngữ đại chúng: Hợp lý hợp tình thì tồn tại và phát triển; vô lý bốc đồng thì sẽ bị đào thải và lãng quên.
Như Mỹ du nhập đồng thời những từ ngữ “pho” (phở), “nuoc mam” (nước mắm), “ao dai” (áo dài), “zerox” (copy bằng máy Zerox), “google” (tìm thông tin trên trang mạng Google)… nhưng từ “zerox” đã chết cùng với máy Zerox vắng bóng trên thị trường sản xuất. Và nếu Phở Việt không ngon hay áo dài Việt truyền thống bị “thiết kế” theo những mẩu mã dị kỳ thì tự nó sẽ bị phủ nhận và danh xưng sẽ bị xóa bỏ theo nguyên tắc sinh tồn tự nhiên trong hệ thống ngôn ngữ nước người.
Có thể nói một cách công bằng là ngôn ngữ, tiếng nói có riêng dòng sinh mệnh của nó. Dùng đúng thì được tồn tại và phát huy; dùng sai thì bị lụi tàn và phế bỏ.
Ngôn ngữ Việt Nam đang được sử dụng và phát huy như thế nào?
Dầu trực tiếp hay gián tiếp, hướng đào tạo và phát triển kỹ năng tiếng Việt theo truyền thống giáo dục xưa nay là thông qua quá trình giảng dạy của đội ngũ Thầy, Cô giáo phụ trách môn học tiếng Việt từ mẫu giáo đến đại học. Nhưng cho đến ngày nay, hệ thống giáo dục và đào tạo tiếng Việt vẫn chưa có một danh xưng thuần Việt, trong sáng và đúng nghĩa với môn học cùng với ngành đào tạo tiếng nói và suối nguồn tinh thần quan trọng nầy của đất nước và dân tộc.
Số phận môn học tiếng nói Việt Nam Văn Việt Nam thật là… ba chìm bảy nổi. Thời tôi còn đi học và ra đời dạy học môn Văn trong bối cảnh giáo dục VNCH, môn học nầy được gọi là Quốc Văn hay Việt Văn, môn học đứng đầu trong tất cả mọi kỳ thi các cấp. Nhưng khi vào chuyên ngành sư phạm thì trường ĐHSP gọi là Ban Việt Hán (!).
Sau 1975, tôi được tạm ở lại dạy trong nhà trường XHCN chưa tròn hai năm học. Thuở ấy, môn Quốc Văn, Việt Văn biến thành môn Văn hay Văn Học. Và sau bao năm xa quê hương, khi về lại, môn Văn ngày xưa đã biến thành môn “Ngữ Văn” tự bao giờ.
Những năm vẫn còn duyên với bụi phấn trong nhà trường Cao đẳng và Đại học Mỹ, ngoài môn chuyên nghề, tôi cũng có dạy tiếng Việt (mà giáo trình môn học tiếng Việt của nhà trường chỉ ghi có một chữ: Vietnamese). Có mấy lần sinh viên hỏi “môn học Ngữ Văn là môn gì thế” thì thật tình là thầy giáo bị lúng túng. Nếu tôi dịch đúng chức năng là “Philology” (Bác ngữ học) thì thật là khiên cưỡng, phiến nghĩa mà dịch là “Language and Literature” thì chẳng khác gì đem Biển Đông trùm lên làm quả Địa Cầu; đó là chưa nói đến vấn nạn “Ngữ Văn suông” hay Ngữ Văn của nước nào thế?
Trên sàn văn luân lưu chữ nghĩa, danh xưng Quốc Văn, Việt Văn, Văn Học, Văn Việt vẫn còn nguyên ý nghĩa sáng giá có khả năng dùng làm tên gọi cho môn học tiếng Việt trong nhà trường mà lý tưởng nhất là chỉ có một nhóm từ gồm hai chữ.
Quốc Văn: là một danh xưng trang trọng và tiêu chuẩn nhưng “quốc văn” của xứ nào?
Việt Văn: là một danh xưng vừa bình dân vừa hàn lâm nhưng cấu trúc theo tiếng Trung Hoa (Danh từ đứng trước tĩnh từ).
Văn Học: là một danh xưng chưa bao gồm được tiếng nói Việt Nam.
Văn Việt: là một danh xưng tương đối trong sáng và thuần Việt nhất.
Nên chăng chọn nhóm chữ VĂN VIỆT để gọi tên cho môn học tiếng Việt trong nhà trường?
Ngày 30- 04- 2022 tới đây, khoa Ngữ Văn trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế sẽ tổ chức lễ Kỷ niệm 65 năm thành lập Ban Việt Hán - Khoa Ngữ văn, chúng tôi được nhà trường gởi giấy mời tham dự với tư cách là cựu sinh viên ban Việt Hán. Bởi đã xa quê 40 năm và xa trường 52 năm lại đang gặp mùa Đại Dịch chưa tàn, tôi không thể trực tiếp về tham dự nên mượn những dòng nầy để gởi về “hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa” như một lời phát biểu và cảm tạ khiêm tốn; đồng thời với thiện tâm tham gia ý kiến xây dựng: Không bao giờ đã muộn để sửa sai điều chưa đúng và cũng chẳng bao giờ còn sớm để tiếp thu điều chưa thông.
Đã nhiều năm qua, tôi không phải là người “ngoại đạo” với những bước chuyển mình của tiếng Việt. Khi được nhà giáo Phạm Toàn mời tham gia nhóm Cánh Buồm để soạn sách giáo khoa tiếng Việt cho thế hệ trẻ, viết cho Talawas của Phạm Thị Hoài và tham gia đóng góp bài vở với Văn Việt và nhiều trang mạng xã hội tiếng Việt khác, tôi thật ngưỡng mộ tài năng, viễn kiến và quan trọng nhất là tấm lòng thiết tha với tiếng Việt của thế hệ đàn anh, đàn chị và đàn em trong cũng như ngoài nước. Bởi vậy, chỉ mong rằng ý kiến được nêu ra trong bài nầy chẳng nhằm mục đích phê phán hay “nhặt sỏi” mà tất cả đều mang tính chất tâm sự, chia sẻ và xây dựng.
Xin cảm tạ lời mời của Ban Tổ Chức kỷ niệm 65 năm Ban Việt Hán và anh chị em cựu sinh viên ở xa không đến được sẽ xin gởi vòng hoa chúc mừng.
Sacramento, 11- 4- 2022
Trần Kiêm Đoàn
Comments