Trong một số bài viết đã ra mắt quý độc giả từ nhiều năm trưóc và gần đây, người viết đã thường xuyên minh định rằng: Đạo Phật tự thân, đạo Phật Nguyên thủy, đạo Phật Phát triển, đạo Phật Bộ phái và đạo Phật vận dụng trong một hoàn cảnh xã hội, chính trị, quốc gia hay thời kỳ nào đó là những hình thức chuyển biến theo điều kiện khách quan và chủ quan hay theo nhu cầu… Nhưng tất cả chỉ khác nhau về hình tướng và phương tiện. Đạo Phật tinh túy là một ĐẠO PHẬT THỐNG NHẤT. Đạo Phật Thống Nhất là một đạo Phật không sai khác hay vượt ra ngoài khuôn sáo như Đức Phật đã tuyên thuyết, khắc ghi thành dấu ấn (Tam Pháp Ấn – Trilaksana: Vô thường, Khổ, Vô ngã).
Xin được dùng danh xưng ĐẠO PHẬT VIỆT NAM trong bài viết nầy để nói về Phật giáo hay đạo Phật tại Việt Nam hoặc của người Việt Nam quy y và hành đạo nói chung để khỏi trùng hợp và tránh ngộ nhận với danh xưng Phật giáo nói riêng của các hội đoàn hay bộ phái đã thành lập trong quá khứ, hiện tại như: TỔNG HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM (1951), PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT (1964), PHẬT GIÁO VIỆT NAM (1981)…
Ngày 8-11-2019 Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quang viên tịch. Một trăm ngày sau, 22-2-2020, Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ tiếp bước ra đi. Những đại tăng và danh tăng thuộc thế hệ Chiến Tranh Việt Nam dần vắng bóng. Đặc biệt là Hoà thượng Quảng Độ, vị Tăng thống thứ Năm và được coi như biểu tượng cuối cùng thuộc hàng giáo phẩm tôn túc của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất ra đi nhưng nhân vật lãnh đạo kế thừa không có hay chưa hiện ra rõ nét.
Phật tử, đặc biệt là những vị đang sống ở nước ngoài, đã đặt ra nhiều câu hỏi, nhưng vấn đề nổi cộm nhất vẫn là khuynh hướng truyền thống: “Sau khi Hoà thượng Đệ ngũ Tăng Thống viên tịch, Phật giáo Việt Nam Thống Nhất sẽ đi về đâu?!”
Nhà báo chủ nhân và chủ nhiệm hệ thống báo chí và truyền hình Cali Today, anh Nguyễn Xuân Nam, đã ngỏ ý mời hai cư sĩ cao niên và tôi tham gia buổi hội luận truyền hình về đề tài “Phật giáo về đâu” như vừa trình bày ở trên. Tuy không tham dự được, nhưng tôi có hứa là sẽ trình bày ý kiến đóng góp của mình qua một bài viết. Trong khuynh hướng luận bàn muôn một, tôi xin được khiêm tốn góp ý trong tinh thần tự do, thông thoáng, linh động và cầu tiến của người một người Phật tử bình thường.
Về mặt danh xưng và nội hàm, nhóm chữ Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất có thể mượn sự phân tích khá thú vị của nhà thần học Ấn Độ, Jodh Singh (1882-1981) về vai trò toàn vẹn của một tôn giáo đích thực với ảnh hưởng và tác động phụ thuộc xung quanh để nói về vai trò Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất hay bất cứ một tổ chức tôn giáo nào khác theo tỷ lệ tương ứng như sau:
Phật giáo: (7/10). Phật giáo tự thân đã hiện hữu và độ thế trên 25 thế kỷ dầu đã trải qua bao cuộc hưng vong và thế sự thăng trầm nên đạo Phật là một thể độc lập, toàn vẹn và bất khả phân ly. Số 7 cũng là con số toàn vẹn trong văn hoá truyền thống Ấn Độ như 7 bước trên hoa sen, bảy ngày sau khi đản sanh Thái tử Tất Đạt Đa thì hoàng hậu Ma Gia qua đời, Thất Phật, Thất Tuần… Việt Nam: (1/10). Đạo Phật truyền vào Việt Nam từ thế kỷ thứ 3 hay thứ 2 trước Tây lịch và lan rộng khắp nơi do cái duyên tự tại nhưng đã tích lũy năng lượng hạt cát nhưng cũng là vũ trụ của tam thiên đại thiên thế giới, nên sự xác định hiện hữu hay mất đi tại một địa phương nào đó chỉ chiếm 1/10 trong dòng sinh mệnh của đạo Phật.
Thống nhất: (1/10). Thể thống nhất, phân hóa hay tự biến cải thành thành một hình thái ưa chuộng nào khác chỉ là khuynh hướng riêng của những thành viên trong cùng một tổ chức hay nhóm phái hay nơi chốn nào đó mà thôi.
Giáo hội: (1/10). Tùy nhu cầu tổ chức và sinh hoạt, những người cùng mục đích và khuynh hướng cùng kết hợp lại với nhau thành một nhóm riêng và tự chọn lựa hay bầu bán những chức vụ, vai trò và vị thế lãnh đạo.
Theo cách nhìn mang tính cấu trúc căn bản nầy thì Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất dù ở phương trời nào, do ai lãnh đạo, tồn tại dưới hình thức đoàn thể, tăng đoàn hay giáo hội nào thì sinh mệnh trọng đại nhất vẫn là Đạo Phật. Đạo Phật còn tồn tại thì tất cả còn tồn tại (70%). Đạo Phật thoái trào, suy đồi hay bị hủy diệt thì các yếu tố phụ thuộc như tên gọi, nhân sự, hình thái cũng sẽ tiêu vong theo (30%). Trường hợp ngược lại, khi nhân vật, tổ chức hay hoàn cảnh bị hoại diệt theo lẽ sinh khởi tự nhiên thành, trụ, hoại, diệt hay bị vô thường hủy diệt “bất đắc kỳ tán” thì Đạo vẫn an nhiên tồn tại.
Đạo Phật phát khởi và tồn tại như như một đại dương tâm linh. Tất cả nhân sự hay cách thế hành đạo chỉ là phương tiện ví như những dòng sông, kênh rạch và khe suối. Không vì một trường hợp nào bởi sông lấp, suối khô, kênh bồi, rạch tắt mà đại dương cũng phải khô cạn theo cả.
Đạo Phật Thống nhất: Khát vọng không bao giờ thối chuyển.
Có thể nói ra như một lời minh định mà không sợ bị hiểu lầm rằng: Sự Thống nhất của Phật giáo Việt Nam là một khát vọng không bao giờ thối chuyển của người Phật tử Việt Nam từ xưa đến nay trên mọi miền địa lý. Thời cận đại, động lực chủ đạo của phong trào Chấn hưng Phật giáo từ đầu thập niên 1950 là sự phát khởi tinh thần thống nhất Phật giáo Việt Nam cả ba miền Bắc Trung Nam. Bài hát Phật Giáo Việt Nam của Cư sĩ Lê Cao Phan sáng tác năm 1951 được yêu chuộng như một “Tuyên ngôn Thống Nhất” Phật giáo cả ba miền. Trong suốt 70 năm qua, bài hát đã trở thành bài đạo ca chính thức của Phật giáo cho tất cả các tổ chức Phật giáo Việt Nam cả trong và ngoài nước.
Việc đầu tiên khi cuộc tranh đấu đòi quyền bình đẳng tôn giáo năm 1963 kể tạm như thành công với sự sụp đổ của Ngô triều thì việc đầu tiên của chư Tăng Ni và Phật tử là thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. với sự tham gia của 11 giáo đoàn và bộ phái Phật giáo đã sinh hoạt riêng lẻ và độc lập trong nhiều năm qua.
Khẩu hiệu vận động quần chúng Phật tử cho việc thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam nằm trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc của đảng CSVN năm 1981 cũng là “Thống nhất Phật giáo”. Và, một trong 9 thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nầy cũng có ghi là “Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất”.
Đối với người Phật tử thuần thành thì danh từ hay, mỹ từ đẹp chẳng thêm hay bớt tín tâm đối với Tam Bảo. Dẫu thời thịnh pháp Lý Trần hay thời mạt pháp cận và hiện đại xuất hiện những vị chân tu hiển pháp, hiền sĩ ẩn tàng, tự giữ mình ở thế khiêm hạ hay phường ta bà ác đạo xun xoe ham danh, say lợi gây cảnh bất tịnh thiền môn thì rốt cuộc, cũng chỉ đủ sức làm lung lay lớp vỏ hưng phế (chiếm 3/10 như phân tích của Jodh Singh ở trên) mà thôi. Đạo Phật muôn đời vẫn là đạo Phật. Mọi vọng kiến cột trói đạo Phật vào những lớp vỏ tạm bợ đó chẳng khác gì hành động lấp sông, ngăn suối trí trá nhất thời… rồi tự cho là tát hết biển khô, lấp đầy hồ cạn!
Hình ảnh và thực trạng đạo Phật Việt Nam như thế nào trong vòng ba, bốn chục năm qua là trách nhiệm của quần chúng Phật tử và đại chúng tham gia.
Nếu có chăng những động thái vô minh, đeo những cặp kính màu nhìn đạo Phật; nếu có chủ trương lâu dài gán ghép đạo Phật vào những chủ nghĩa chính trị và triết học phi Phật pháp; nếu đã có hiện tượng lợi dụng cảnh tranh tối tranh sáng để tự tung, tự tác cổ xuý cho những giá trị phàm phu và vị ngã, say ngã (ngã túy) leo thang… thì đó cũng vừa là cái Nghiệp, nhưng đồng thời cũng là cá Duyên để người Phật tử có dịp lấy đá thử vàng.
Thậm chí, tình trạng “Cư sĩ buôn Tăng” (như ngày xưa gian thần buôn vua) để bày ra những trò láo lường “giáo chỉ”, “pháp lệnh”… vớ vẩn thế nhưng vẫn lung lạc được cả một khối “Thống nhất” Phật giáo Việt Nam ở Hải ngoại trong nhiều năm trước là nguyên cớ do đâu?! Thưa, do người Phật tử tôn sùng lý thuyết “Thống nhất” nhưng không ứng dụng thực hành “Nhất thống” trong hoàn cảnh thực tế. Sự “thống nhất” (unified) lãnh đạo hàng dọc khả thi với hệ thống phong kiến, độc tài và chuyên hóa. Nhưng thực tế ngày nay, thực hành đạo Phật là phát huy con đường tự do dân chủ chân chính; là đặt mối tương quan giữa lãnh đạo và quần chúng theo mô thức tổ chức nhất thống (united) hàng ngang.
Chúng tôi được nghe phong thanh rằng, có các nhóm Phật tử đang hội luận về việc vận động suy cử một vị cao tăng trong nước lên làm “đệ lục Tăng thống” cho hệ thống Phật giáo Việt Nam Thống Nhất sau khi đệ ngũ Tăng thống Thích Quảng Độ viên tịch. Những phản ứng nhạy bén và cầp thời như thế rất đáng trân trọng về mặt nguyên tắc tổ chức và tinh thần nhập cuộc nhưng khó tránh được vết mòn vụ hình thức và xa rời thực tế:
Vụ hình thức bởi “xưa bày nay làm” theo tinh thần Hiến Chương GHPGVNTN cách nay đã 66 năm nhưng xa rời thực tế vì hiện trạng Đạo Phật Việt Nam Thống Nhất và hoàn cảnh xã hội, chính trị, và cư trú ngày nay không còn như 50 năm trước đây nữa.
Và, xa rời thực tế vì hiện trạng “Giáo hội Phật giáo Việt Nam Phật Thống nhất…⁺⁺⁺” ngày nay đang có khoảng 12 nhóm phái, chi nhánh hay Tăng đoàn giáo hội “Phật giáo Việt Nam Thống nhất” tại Hoa Kỳ, châu Úc, châu Âu, Canada và rãi rác khắp nơi trên thế giới.
Nếu có chăng hàng giáo phẩm suy cử một vị Tăng thống để làm biểu tượng của sức mạnh “Thống Nhất” thì đấy chỉ là một sự thống nhất vụ hình thức. Kết quả và tác dụng sẽ không khá hơn việc tạo ra một ngẫu tượng để bái lạy, chỉ có lợi cho phường buôn vua (tăng) như thời “giáo chỉ” và sẽ lập lại một hoạt cảnh đào sâu thêm sự phân hóa và bất tịnh cửa thiền mà thôi.
Xin được đóng góp vài ý kiến nhỏ:
Đạo Phật Việt Nam Thống Nhất (ĐPVNTN) là một thực thể tôn giáo hiện hữu, toàn vẹn – chỉ có một vị Bổn Sư Giáo chủ duy nhất là đức Phật Thích Ca Mâu Ni – bất khả phân chia bao gồm nhiều bộ phái, tổ chức, giáo hội, tăng đoàn… trong và ngoài nước Việt Nam. Kể cả Giáo hội Phật giáo Việt Nam thân chính quyền trong nước cũng là một thành viên (mặc nhiên hay minh nhiên) của ĐPVNTN.
ĐPVNTN cần có một Hiến Chương cập nhật, thích nghi với thời đại, dựa trên tinh thần Tự Do, Độc Lập, Từ Bi, Trí Tuệ căn bản của Đạo Phật và nguyên tắc Đa Số (Tương đối và Tuyệt đối) để chọn lựa, thanh tịnh hóa tổ chức và tiến cử nhân sự thông qua bầu cử công khai và bình đẳng theo truyền thống Lục Hòa Tương Tác và Tứ Chúng Đồng Tu.
Tình trạng phân hóa, lỏng lẻo, tự túc của đạo Phật Việt Nam ngày nay nói chung không thể giải quyết bằng nguyên tắc hay luật lệ, pháp lý hành chánh mà cần thực tế dựa trên tinh thần tự nguyện, hợp tác, xây dựng và thương yêu, tôn trọng lẫn nhau.
Nếu có chăng một lời thỉnh cầu mới của người Phật tử thuần thành đối với hàng giáo phẩm tôn túc thì chỉ mong được tác bạch rằng: Không bao giờ muộn cho một sự bắt đầu đổi mới nhưng quan trọng nhất là phải tìm ra con đường xuất phát mới cho một sự bắt đầu. Mỗi giây phút chờ đợi hay giậm chân tại chỗ là một bước càng lún sâu thêm vào con đường không lối thoát cũ.
Đạo Phật là một tôn giáo uyển chuyển, nhẹ nhàng và thanh thoát như nước của biển khơi và dưỡng khí trong không gian. Một nơi nào đó trong một thời điểm nào đó, không khí có thể bị ô nhiễm, nước trong có thể bị khuấy đục, nhưng bầu trời cao rộng, đại dương mênh mông sẽ giúp cho vùng nước đục và khoảng không gian nhiễm ô lấy lại được cái Tánh thường rỗng lặng nguyên thủy. Có tiếc chăng là tiếc cho những sinh vật và con người đang sống trong môi trường sinh thái nhiễm độc giới hạn và nhất thời ấy phải bị họa lây nhiễm độc mà thôi.
Đạo Phật, từ ngày Đức Phật còn tại thế cho đến thời hiện đại, không bao giờ là một tôn giáo có khuynh hướng tôn sùng, thần thánh hóa cá nhân. Ngay như tự thân Đức Phật, ngài cũng dùng cả phủ định luận như “tự mình thắp đuốc lên mà đi; 49 năm chưa nói một lời nào…” để vô hiệu hóa sự ám ảnh thần thánh vĩ đại cá nhân khi mới đản sinh và đến hồi nhập diệt. Suốt trên hai nghìn năm nay, từ những đại đệ tử của Đức Phật đến hàng Lịch đại tổ sư, Già Lam Thánh chúng thảy đều không để hào quang nhân vật áp đảo hay che khuất đại chúng. Các Phật hoàng, Thánh chúng, Tổ sư… thường được nêu danh để minh họa về công hạnh nên sông cứ xuôi nguồn không tác động đến biển khơi. Sự ra đi của Hoà thượng Đại lão Đệ ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ ở niên kỷ 94 cũng là thuận duyên viên tịch, không để lại một chướng ngại nào cho hệ thống giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất trên toàn thế giới. Vấn đề còn lại là quyền tự quyết của hệ thống Giáo hội và Tăng đoàn Phật giáo Việt Nam Thống nhất trong khung cảnh và thời đại mới.
Mong một ngày có lại trọn vẹn cảnh Tăng già hòa hợp, Tứ chúng đồng tu của của Phật giáo Việt Nam Thống nhất sẽ không xa.
Trần Kiêm Đoàn
Sacramento, ngày họp mặt thân hữu
đầu năm 7-3-20 tại nhà Dr. Phan Mẫn
Comments