top of page
Ảnh của tác giảAmy Duong, Nikkiduong

Ly rượu đầu xuân

Đã cập nhật: 28 thg 6, 2020

Nhớ thời áo trắng xinh xinh

Nhắc nhau kỷ niệm chúng mình thuở xưa...

 

Sàigon trước 1975 được báo chí nước ngoài tặng danh hiệu “Hòn Ngọc Viễn Đông”. Đây là kinh đô chính trị, kinh tế và văn hoá không chỉ của VNCH mà là của cả vùng Đông Nam Châu Á. Những trai tài gái sắc đa số được tập trung nơi Thành Đô phồn hoa đa dạng này. Trà Mi là một trong những đóa hoa đẹp ở  Đô Thành Sàigòn, là nữ sinh viên Đại Học Sư Phạm, được các chàng sinh viên điển trai ái mộ, mời nàng về quê chàng vui Tết, nhưng Trà Mi từ chối khéo, với lý do cha mẹ nàng gọi về có số công việc cần bàn.


Trà Mi là cô con gái đầu lòng của ông bà Tú Ngân, nàng về quê ăn Tết, chúc thọ ông bà thân sinh, các cô chú, cậu dì ... Rút những bao lì xì màu đỏ thắm trao cho những đứa em, nàng tâm tình căn dặn các em chăm lo học hành để tương lai được rạng rỡ. Trà Mi khi nào cũng gương mẫu trong mọi việc nên những đứa em nàng luôn kính nể và noi theo chị. Theo truyền thống, Ông bà Tú Ngân thường khuyên con gái gắng học hành: - Ông bà ta ngay xưa thường nói và làm “dù cho bán ruộng bán trâu cũng ráng nuôi đứa con đầu dẫn dắt đàn em”. Cha mẹ chẳng có trâu bò, ruộng nương để bán, nhưng có bao nhiêu  đồng lương thu nhập hàng tháng tập trung hết cho con, con phải học thành công và thành công thì con mới có khả năng dẫn dắt đàn em được.


“Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh” và không phụ lòng Vua Thành Thái đã tặng cho dân xứ Quảng  tấm biển có khắc 4 chữ: ”Ngũ Phụng Tề Phi” vào năm 1896 khi 5 thí sinh Quảng Nam đỗ đại khoa một lúc. Trà Mi thấu rõ lời khuyên của cha, xem đó là kim chỉ nam, nàng đã tự lo cho mình và tỏ ra người con có hiếu thảo, viết thư về cha mẹ, biết nhắc nhở đàn em khi nàng đi học xa nhà.


Quang Minh người cùng quê đang học ở Sàigòn, thỉnh thoảngï giúp cho Trà Mi làm tròn bổn phận như lời khuyên của cha mẹ nàng: “Hãy gắng học trước đã, mọi chuyện tình cảm xếp một bên, chờ khi ra trường đã”.Quang Minh biết lối suy nghĩ của cha mẹ Trà Mi cũng giống quan niệm sống của cha mẹ chàng, nên hai người tâm đắc, chỉ trao đổi quanh chuyện học hành. Lâu ngày tình cảm thấm dần,“tình trong như đã, mặt ngoài còn e”. Họ ngầm yêu nhau, nhưng phần ai nấy giữ, không nói nên lời.


Khi Quang Minh ra trường, trước ngày chàng về quê để nhận việc giảng dạy, chàng mời Trà Mi đi dùng cơm chiều, trong bữa cơm này họ trao đổi nhiều tình cảmï rất dễ thương. Quang Minh nhìn vào đôi mắt Trà Mi, qủa là đôi cửa sổ tâm hồn đương tỏa ra một cái gì diễm tuyệt... qua làn nước mắt từ trái tim rộn ràng xao xuyến. Nàng cảm thấy trống vắng khi xa chàng trong những ngày tháng sắp tới nên đôi mắt buồn rướm lệ, làm cho Quang Minh thêm xúc động và nói lên những lời ần cần ưu ái hơn:

- Anh tạm xa em trong hai năm cuối, khuyên em tập trung cho việc học, thực hiện đúng lời khuyên của cha mẹ Trà Mi. Khi em ra trường, nếu có phép anh sẽ vào dự lễ và trao đổi với em một số chuyện liên quan đến tương lai của chúng mình!


Trà Mi hiểu ý Quang Minh, nàng sung sướng được Quang Minh cho biết tình cảm và dự tính của chàng; nhưng cô cũng làm như mình tối dạ hỏi lại Quang Minh:

- Chuyện tương lai liên quan đến chúng mình là chuyện gì mà nghe có vẻ quan trọng vậy anh? Anh nói cho em biết được không ?


Quang Minh nhìn nàng đầy thương yêu, mỉm cười nói:

- Em lo tập trung học, mọi việc khi em tốt nghiệp anh mới nói chuyện được.

Anh không muốn em phân tâm trong việc học. Cuối cùng họ trao cho nhau những vần thơ ngắn trong quyển sổ tay mỗi người như sau. Quang Minh viết:

Anh về quê, đợi chờ em tốt nghiệp

Đi đón em trao đổi chuyện tương lai

Trà Mi viết lại cho chàng cũng hai câu để Quang Minh hiểu tâm sự mình:

Em xin khép cửa phòng khuê

Lãnh bằng tốt nghiệp trở về gặp anh.


Hàng tháng họ biên thư cho nhau và luôn nhắc những vần thơ mà họ đã ghi trong quyển sổ tay này khi hai người tạm xa nhau và hẹn hò chờ đợi.


Cha mẹ Quang Minh là nhà giáo, làng trên xã dưới người ta quen gọi ông bà thầy Hùng, ông bà Hùng cũng muốn con mình nối nghiệp cha, họ cũng tâm đắc với gia đình ông Tú Ngân nữa. Hai gia đình qua lại thân thiện. Do đó, Quang Minh và Trà Mi cũng thường qua lại như người nhà, họ hiểu qua cái nhìn, cái liếc nhưng họ giữ kín.


Trà Mi sẽ về nhà trước Tết, Quang Minh biết, nhưng trước đó một ngày, chàng qua nhà ba mẹ Trà Mi, hỏi dò tin tức về nàng. BàTú Ngân cho biết, ngày mai Trà Mi về ăn Tết, em nó xuống Ga Đà Nẵng khoảng 6 giờ chiềụ. Quang Minh mạnh dạn ngỏ lời: “Xin phép hai Bác cho con ra đón Trà Mi”. Ông bà Tú Ngân cũng muốn để cho Quang Minh ra đón con gái mình, với ý nghĩ tốt, bà nói ngay: “À cám ơn con, nếu vậy quá quí, em nó khỏi đi xích lô, mấy đứa nhỏ khỏi ra đón”, cận Tết nhà có nhiều việc.


Chiều hôm sau, Quang Minh ra bến nhà Ga chờ đợi, chàng cảm thấy sao thời gian dài quá, nóng ruột! Tàu đến, nhìn đúng toa số 6 thấy Trà Mi trên toa tàu đưa tay ra vẫy, nàng kêu “anh Minh”! Minh đáp lại. Chàng chạy theo, tàu ngưng, Quang Minh dừng lại nơi cửa sổ chỗ Trà Mi đương ngồi. Nàng đưa tay ra, chàng từ dưới mặt đất đưa tay lên nắm chặt tay trà Mi. Bốn mắt nhìn nhau đắm đuối. Sau đó Trà Mi chuyển cái xắc lớn cho Quang Minh, còn nàng mang xách tay theo đoàn người từ từ ra cửa xuống.Trà Mi bước xuống, Quang Minh đưa tay đón, nắm chặt. rồi dìu nàng ra một bên và bảo: “Nhường cho bà con đi trước, mình chậm rãi em”. Chàng nắm tay nàng. Họ đứng sát nhau, đôi tay Minh vòng ôm eo Trà Mi. Hai con tim loạn nhịp, hai làn da hực nóng, hơi ấm bây giờ nó chạy thấu tâm can cả hai người rồi. Quả là “trai thanh nam... châm” gặp “nàng thanh nữ...  'sắt' “, nó hít chặt khó rời. Chàng muốn ôm nàng và siết thật chặt cho đã cơn ghiền, cho vơi bớt bao nhớ thương, nhưng họ biết còn phải giữ ý tứ. Lễ giáo không cho phép họ hành động như vậy khi chưa có lễ hỏi. Cái thời buổi của Trà Mi và Quang Minh lễ nghi còn nghiêm khắc đến vậy, chớ không phải dễ dãi như bây giờ. Bốn mắt nhìn nhau, cái mỉm cười của Trà Mi cuốn hút quả tim chàng, như nó muốn nhảy ra khỏi lồng ngực để trao cho nàng cất giữ chung và cùng nhau thở. Sau cùng chàng chỉ biết hôn nơi bàn tay Trà Mi và cảm khoái.


Quang Minh muốn đưaTrà Mi đi ăn tối nhưng nàng bàn phải về nhà ngay cho phải phép, việc ăn uống để ngày khác. Quang Minh phải chiều theo ý nàng.


Quang Minh hiểu ý phải để dành thời gian cho Trà Mi và gia đình trao đổi việc nhà, nên chàng tới thăm nàng vào xế chiều hôm sau, họ tâm sự dưới gốc cây sau nhà suốt buổi chiều, trong đó chàng có nói chuyện hai gia đình lo chuyện mai sau, Quang Minh nắm chặt  tay Trà Miø đề nghị:

- Chiều mai mình đi ăn cơm tối với nhau, khoảng 5 giờ. anh sẽ trao đổi thêm với em về chuyện đó, em đừng hẹn ai ha!

- Để em vào xin phép cha mẹ, nếu có trở ngại chi, em xin cho chúng ta một ngày khác. Em cũng nhắt lại chuyện anh mời hôm trước.

Trà Mi xin phép và quay ra, mặt nàng vui tươi và tủm tỉm cười.

- Nhìn em vui vẻ là anh biết rồi. Bây giờ anh cũng phải vào xin phép hai Bác đưa em đi từ 5 giờ đến 9 giờ tối, có nghĩa là anh phải bảo vệ em trong thời gian ấy.

- Anh làm như em là quan chức gì, sợ người ta ám sát?

- Có chớ sao không em, bà giáo sư chớ bộ! Không sợ ám sát, nhưng sợ người ta “rinh trộm”, hoặc phỏng tay trên, rồi mình ôm bầu sầu hận hay sao?

- Nếu em lơ mơ thì bị người ta rinh lâu rồi, đời em sẽ hỏng và mất cả anh!

Quang Minh nghe cảm động, buông lời :

- Cám ơn em rồi chàng vào xin phép cha mẹ Trà Mi. Ông bảo: ”được rồi con”. Chàng báo cho Trà Mi hay kết quả đó ï Trời đã về đêm, Quang Minh nắm tay Trà Mi và nói nhỏ:

- Em còn có công việc nhà bếp với mẹ, anh sẽ qua đón em 5 giờ chiều mai.


Hôm sau 5 giờ chiều, Quang Minh đã có sẵn tại sân nhà Trà Mi, chàng dựng xe, vào gặp xin phép ông bà Tú Ngân đưa Trà Mi đi. Nhìn quanh thấy vắng, Trà Mi cho hay là cha mẹ nàng đã đi công chuyện từ hồi trưa, mấy đứa nhỏ mang bánh trái qua nhà bà nội, bà ngoại cúng Tết, nhà còn mình em chờ anh, mình đi là đóng cửa.


Trong ngôi nhà lớn trống vắng, chừ chỉ còn có hai người. Quang Minh nhìn Trà Mi, tình yêu bốc cháy, con tim hối thúc.. Chàng nhìn nàng một cách đắm say và nói ngay: ”nhớ thương em nhiều quá”! rồi ôm hôn trên má Trà Mi. Trà Mi hiểu Quang Minh quá thương nên đã làm vậy. Nàng bất ngờ nhưng cũng cảm thấy sung sướng, tâm hồn nàng lâng lâng và thỏa mãn phần nào ao ước, nhớ mong lúc tương phùng. Nàng nhìn chàng rồi mỉm cười, nói nhỏ: ”anh ra xe, em đóng cửa, khi đi chúng ta nói chuyện tiếp”.


Chiếc Honda nổ máy, Quang Minh bảo :

- Em ôm eo cho chặt để được an toàn vì có những đoạn đường không được tốt. Được Quang Minh nhắc nhở, đây cũng là lý do để Trà Mi ôm eo chàng thật chặt và tân hưởng những gì theo luật tự nhiên của tạo hoá.Trên đường đi Trà Mi hỏi:

- Em có nghe mẹ nói bên nhà bàn chuyện bỏ trầu cau. Hai bên đang coi ngày và chắc ông bà bên nhà cũng đã nói anh ngày nào rồi chớ

- Anh định nói với em vấn đề đó trong bữa cơm tối nay, nhưng bây giờ em hỏi  anh nói luôn. Ngày thì chưa biết, nhưng trước khi em trở lại Sàigon .           

- Bên nhà có trầu cau bỏ lễ thì khi ra Trường em sẽ mời anh vào dự lễ là người bạn đời chính thức, khi ấy mình đi đây đi đó không bị tiếng thị phi bàn tán gì hết.

- Cám ơn em đã cho anh hảo ý vưà rồi, anh tưởng tượng ngày ra trường của em đã sát bên lưng rồi. Trà Mi cũng bảo: Em cũng muốn ngày ấy chóng đến.

Quang Minh đưa Trà Mi đi dạo một vòng nơi bờ Bạch Đằng, rồi chàng hỏi:

- Bây giờ đi ăn chỗ nào em?

- Tuỳ anh.

- Vậy thì mình đi nhà hàng “Hương Quê” ở bờ sông Bạch Đằng, trước Toà Thị Chính ha! Ngôì ở đó lịch sư và mát mẻ.


Khí hậu Miền Trung, tháng chạp làm gì có chuyện mát mẻ. Lạnh buốt người, nhưng Quang Minh dùng chữ mát mẻ có nghĩa là thơ mộng. Nhà hàng cửa kính đóng kín, nhin ra sông tàu thuyền qua lại đủ màu. Những ngọn đèn trên phố, dưới sông nhấp nhô qua sóng nước, tạo khung cảnh mát diệu, quyến rũ tuyệt vời.


Chưa bao giờ Trà Mi và Quang Minh ăn bữa cơm chiều ngon như hôm nay. Có lẽ khí trời lành lạnh mà họ trao đổi chuyện tình nóng bỏng, hai quả tim như quyện vào nhau thật chặt, họ lại mặc những chiếc áo lain đan thật đẹp, tăng thêm độ ấm cho cả hai tâm hồn lẫn thể xác. Họ bộc bạch tất cả những tâm tư tình cảm của hai người mà họ tự dấu kín xưa nay.


Hai bên gia đình đã tổ chức lễ đính hôn cho hai người trước Tết. Tết năm ấy ông Tú Ngân và ông bà thầy Hùng qua lại như người nhà.Trà Mi và Quang Minh đưa nhau đi thăm bà con hai bên tự nhiên, thật là hạnh phúc. Bây giờ họ có thể trao cho nhau những nụ hôn đầy nồng thắm, nhưng cũng chỉ lúc không người và trong bóng tối. Sự thể hiện hoàn toàn chỉ sau khi có lễ cưới, khi được “đưa nàng về Dinh”.


Khi Quang Minh vào Sàigon dự lễ ra Trường của Trà Mi, làm cho bao chàng “Công tử Bạc Liêu” phải ngỡ ngàng. Trong khi đó, hai gia đình ở nhà tính chuyện tổ chức lễ cưới. Chàng và nàng giao du Sài gòn mấy hôm rồi về ngay để kịp lên xe hoa, “lọng anh đi trước võng nàng theo sau”. Hai nhà hiểu ý nhau rồi, nên họ tự sắp đặt cũng dễ dàng. Đám cưới linh đình, bà con khen ngợi, người người chúc mừng đôi uyên ương trăm năm cầm sắt. Trà Mi và Quang Minh sống với nhau hạnh phúc, họ được hai con và tiếp tục sống cuộc sống khiêm nhường sau ngày 30-4-1975 tại quê nhà.


Theo chính sách của Chính phủ Hoa Kỳ, cho những người Việt Nam tị nạn chính trị bảo lãnh thân nhân trực hệ được đoàn tụ. Do đó, gia đình Trà Mi được sang Hoa Kỳ theo diện bảo lãnh của bố mẹ Trà Mi. Họ sống với nhau như cặp chim non, như đôi vợ chồng son trẻ, thông cảm, khéo léo, đầy vui vẻ trên đất nước tự do này. Cứ mỗi lần tân niên, Trà Mi chuốc ly rượu hai người uống chung, nhắc nhau nhớ “Ly Rượu Đầu Xuân” ở lần đầu tiên nào đó, mà “hai thân mình gắn liền” sống chung đã mấy chục năm mãi đến hôm nay.

 

Duy An Đông


7 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Tôi lại khóc

Ngày 11, tháng 9 năm 2001 (Hai tòa lầu ở New york bị khủng bố) Tôi lại khóc trước tang thương đổ nát! Chuyện xứ người sao thắt thẻo đoạn...

Comments


bottom of page