Xuân sắp về với muôn loài trên trần thế nên ngọn gió cuối mùa đông cũng dễ chịu hơn. Nền trời xanh in những cụm mây trắng đục nhẹ di chuyển chầm chậm theo hướng gió, không gian quang đãng trong suốt làm nổi bật những cây xanh lá, những chùm hoa tươi thắm màu sắc rõ rệt. Bông bưởi, chanh, cam, quít... phơi phới nở trắng cây tỏa hương ngào ngạt. Ngoại cảnh đẹp tươi vui dưới nắng đẹp chan hòa như vậy mà cơn ác dịch của Tàu cộng (Corona Vũ Hán) dấy lên trên khắp nước Mỹ và thế giới! Tất cả mọi người trong tình trạng bàng hoàng, hoảng loạn nhiều nỗi âu lo... kẻ chết người nhiễm ác dịch bệnh rất đông. Lệnh phong tỏa của chính quyền ở các tiểu bang Mỹ, và lan dần trên thế giới còn đang xao xác lòng người, thì gần như nỗi buồn chung bất ngờ chợt đến.
Thiếu Tướng Lê Minh Đảo
Tin cựu Thiếu Tướng Lê Minh Đảo qua đời đã rộ lên trong giới chính khách Mỹ, nhiều nhân vật có tầm vóc các nước khác ở Hoa Kỳ và nhiều nước trên thế giới.
“Cựu Thiếu Tướng Lê Minh Đảo ra đi
để lại bao nỗi nhớ thương
tiếc nuối cho gia đình, cho đồng đội
và cho dân Việt Nam không Cộng sản”
Dẫu biết rằng trên trần thế nhiêu khê nhiều phiền toái này, thế nhân ai cũng một lần ra đi vĩnh viễn. Nhưng ở mỗi người có mỗi hoàn cảnh và góc độ khác nhau ít ai giống ai. Kẻ ra đi vì bị: Tai nạn, người bệnh nan y, chết bất đắc kỳ tử vì tim, trẻ sơ sinh, trẻ con mới một hai tuổi cũng chết, chết non, chết trẻ, chết xồn xồn, chết già. Người qua đời để lại danh thơm tiếng tốt, được kính phục, tôn vinh, sùng bái!
Giặc và người xấu thì vốn thù ghét hại người sẵn có, còn bất chấp dùng mọi thủ đoạn, đòn phép dơ bẩn thâm độc bôi lọ, chụp mũ, ném đá giấu tay, tìm sâu vạch lá, chê bai, bươi móc, thì thầm rải muối độc... cho dù đã ra người thiên cổ. Và mọi người đều biết và hiểu rằng “Nghĩa tử là nghĩa tận” nhưng tâm tánh con người... thường vẫn dèm pha chê trách!
Đã sinh ra trong cõi đời này dù vua chúa, những kẻ quyền quý tột đỉnh cao sang, hay thứ dân cùng đinh đói rét khốn khó... cuối cùng rồi cũng chết! Kẻ trước người sau rồi cũng sẽ chết, chết không một ai mang theo thứ gì dù là chiếc nút áo cũng bị cắt để lại! Nhưng sẽ mang theo tội lỗi của chính mình gây ra!
Nữ y tá Ái Châu về nhận việc Trung Tâm Y Tế Toàn Khoa Mỹ Tho, thuộc Ty Y Tế Định Tường đầu năm 1968 (Tết Mậu Thân) thuở đó bác sĩ Võ Văn Cẩn quyền Trưởng Ty. Mỹ Tho là một trong những thành phố ở miền Nam bị tàn phá nặng nhức sau Huể, Vĩnh Long... trong cuộc tổng tấn công của Việt công. Ái Châu vẫn còn nhớ vào gần giữa năm 1969, Trung Tá Lê Minh Đảo về làm Tỉnh Trường tỉnh Định Trường và không bao lâu, ông được vinh thăng Đại Tá Lê Minh Đảo.
Tỉnh Định Tường hay Mỹ Tho là một tỉnh nhỏ bé hiền hòa. Từ Quốc Lộ Bốn, vào lộ tẻ dài chừng ba cây số ở Ngã Ba Trung Lương sẽ đến thành phố Mỹ Tho. Tỉnh Định Tường nằm uốn mình theo bờ Tiền Giang của sông Cửu Long, có dòng nước ngọt êm đềm xuôi chảy ra biển Tân Thành. Có đất đai phong phú màu mỡ, nhất là các cù lao và những bãi tân bồi. Dân Mỹ Tho mặc dầu gần Hòn Ngọc Viển Đông Sài Gòn, nhưng tâm tính hiền lành, ôn hòa sống nếp sống an phận ấm no bằng sức lao động vào đôi bàn tay rắn chắc, và tâm trí của chính mình.
Thành phố Mỹ Tho có Đại lộ Hùng vương rộng rãi, chạy dài từ dinh Tỉnh Trưởng đến đài Chiến sĩ chắn ngang bởi dòng sông Bảo Định. Từ dinh tỉnh trưởng đi ra, bên phải là Trung Tâm Y Tế Toàn Khoa đối diện Bộ chỉ huy Sư Đoàn 7. Tiếp theo nhà bảo sanh đối diện Công Viên Dân Chủ (khánh thành từ đời Tỉnh Trưởng Nguyễn Trân). Trung học nam Nguyễn Đình Chiểu gần đối mặt của hồng với trường nữ Trung học Lê Ngọc Hân.
Thuở Đại Tá Lê Minh Đảo nắm quyền Tỉnh Trưởng, là chuỗi thời gian phồn thịnh nhất của Định Tường! Dân cư lạc nghiệp làm ăn, cha mẹ có công ăn việc làm của mình, con trẻ đến trường từ lớp vỡ lòng ở ấp, làng có trường sơ học sau là Tiểu học và quận có trường Trung học Đệ Nhất Cấp. Các chợ trong tỉnh (từ làng đến tỉnh) buôn bán sầm uất, nhờ rau cải trồng trọt ở vườn nhà, tôm cá bắt từ sông tươi ngon còn nhảy soi sói.
Quận Cái Bè là một trong những quận trù phú nhất Mỹ Tho, có: Cam Cái Bè, gà Cái Bè, xoài cát Hòa Lộc, ốc gạo cù lao Cái Thia... Hòa Lộc thuộc làng Mỹ Lương còn có nhạc sĩ Anh Việt Thu nổi tiếng với nhiều nhạc phẩm để đời nhất là bài “Dòng An Giang” đã đi vào nhạc sử Việt Nam... Cái Bè là một trong những quận đã thắp sáng tỉnh Mỹ Tho ở miền Nam nước Việt. Mỹ Tho còn có Ca sĩ Duy Mỹ trong ban tam ca “Sao Băng” gồm Thanh Phong, Duy Mỹ, Phương Đại có ảnh treo ở tiệm chụp hình Cảnh Trung được khán thính giả yêu mến, đã một thời làm mưa làm gió... Và có di tích lịch sử trăm năm vang tiếng đó đây là chùa Vĩnh Tràng.
Thuở đó cứ mỗi tháng chúng tôi (nhân viên) công tư sở trong thành phố Mỹ Tho có đôi ngày học tập chánh trị chung. Nội dung thường là hiện tình đất nước trong tỉnh nhà, hay tỉnh khác... Chúng tôi đi nghe diễn thuyết ở hội trường tỉnh nằm gần đài phát thanh Mỹ Tho, ngang tòa Hành Chánh tỉnh. Diễn giả là các ông Trưởng, phó Ty, về hành chánh, và thỉnh thoảng một số chuyên ngành bên quân đội như Tâm Lý Chiến... đến thuyết trình. Nhân số tham dự thường là công nhân viên trong thành phố, từ 150 đến 200 người không ít hơn hoặc không đông hơn, vì có một số nhân viên đi công tác xa, trực ở các ban ngành, hoặc nhân viên bệnh viện.
Ngôi nhà trọ nửa trong đất liền, nửa gie ra khỏi bờ sông Bảo Dịnh trên đường Alexandre De Rode. Chúng tôi mướn nhà trọ ở đây gồm có năm cô chưa lập gia đình còn mơn mởn đào tơ, đang là công tư chức của vài ngành nghề trong thành phố Mỹ Tho.
- Lớn nhất là chị Quỳnh Lan 25 cái xuân già, dân Gò Cát (một làng nằm nửa chợ nửa quê, nơi có chùa Vĩnh Tràng, sát nách thành phố Mỹ Tho) đang làm ở ngân hàng “Con Gà Đẻ Trứng Vàng”.
- Kế đến Bạch Nhạn 24 tuổi dân Biên Hòa, cán sự làm ở Ty Điền Địa.
- Thứ ba là Hồng Ân 23 tuổi y tá làm ở nội khoa (thuộc Trung Tâm Y Tế Toàn Khoa Mỹ Tho), Cô nàng nầy dân Chợ Lách, con gái của ông chủ điền có đất đai “cò bay thẳng cánh/ chó chạy cong đuôi” làm ruộng trồng lúa, nếp, vườn trồng nhiều cây ăn trái như: xoài, mãng cầu, cam, quít... và rẫy nương mùa nào cũng có bán.
Nên mối lái ghe xuồng nườm nượp đến mua hàng ở bến sông, nơi nhà vựa trái cây nhà ông bà Cả Cang (ba má của Hồng Ân). Cù lao đất tốt do phù sa của dòng cửu Long bồi đắp đất của ông bà, rồi truyền sang đến đời thứ tư là ba cô. Trong đất có hai gia đình làm cố công cho ông bà Cả cũng lâu lắm rồi, từ trước khi ba má cô cưới nhau. Đó là những người nông dân hiền lành chất phát, siêng năng, lam lũ, được chủ đãi ngộ tốt, nên họ rất trung thành và kính mến gia chủ.
- Mỹ Chi cũng 23 tuổi (bằng tuổi, nhưng lớn tháng hơn Hồng Ân) quê ở Vĩnh Long, giáo viên Sư Phạm Long An, đang dạy nữ Tiểu học Trưng Vương nằm trên đường ông bà Nguyễn Trung Long.
- Người sinh sau đẻ muộn nhỏ nhất là Ái Châu (bằng tuổi, nhưng tôi sinh vào giữa mùa đông nên nhỏ tháng hơn hai con Mỹ Chi và Hồng Ân), Ái Châu làm ở Trung tâm Y Tế Toàn Khoa (chung bệnh viện với Hồng Ân), mà mấy ông bà lớn tuổi như ngoại, nội, dân ở thôn làng thường gọi nôm na là “Nhà Thương Lớn”.
Tuy trong bọn chúng tôi lớn nhỏ suýt soát tuổi nhau, nhưng không ai xưng chị em chị cả, mà cứ mày tao tưới hạt sen. Tự cổ chí kim người ta thường ví von: “Hễ, nơi nào có 2 con vịt và hai người phụ nữ là nơi đó thành cái chợ chồm hổm”. Mèn ơi, đâu có tệ dữ vậy nà! Cho đến bây giờ tôi cũng không biết tại sao thiên hạ (lối xóm) đặt năm đứa chúng tôi có cái tên: “Ngũ Nữ Ma Vương”, “Ngũ Bà La Sát” và “Ngũ Quỷ Nữ Kiều” Thật là lắm cái tên khó ưa dễ ghét, nhưng riêng Ái Châu tôi thì khoái nhất là “Ngũ Quỷ Nữ Kiều”. Vì làm quỷ đẹp vẫn hơn quỷ xấu đó mà!
Còn Mỹ Chi đùng đùng nổi giận tam bành xỉa xói bâng quơ:
- Tao không biết tụi bây ăn ở thế nào để thiên hạ đặt cho bọn mình những cái tên nghe rùng rợn đến thế...
Hồng Ân tánh nết nhu mì, nhưng mỉm cười lí lắc, bảo:
- Chắc có người ganh tỵ đó, chớ tao thấy tụi mình bên ngoài thì “hiền lành như ma sơ” nhưng thật ra toàn là cái ngữ “chằn ăn trăn quấn” không hà, có đúng không Ái Châu?
Đang cầm ly nước lạnh uống từng ngụm nhỏ, tôi hướng mắt đăm chiêu nhìn trời xa qua cửa sổ hồi tưởng đến chàng. Nhớ khi về nhận việc không bao lâu thì tình cờ chúng tôi quen biết, lúc đó chàng là giáo chức, mấy tháng sau đi lính ra trường, và giờ thì chiến đấu đóng quân ở mãi tận Cà Mau! Là chinh nhân gặp thời nước non trong dầu sôi lửa bỏng tôi không tài nào đoán được chàng đang ở đâu, có lẽ nơi rừng sâu, núi cao, đồng bằng sình lầy Tháp Mười, Châu Đốc hay biên giới Việt Miên?
- Ê Ái Châu, tao nói với mày đó, làm gì như kẻ mất hồn vậy trời?
Tôi giật mình quay về thực tế, cười mỉm tỏ vẻ như ngây thơ vô số tội! Vì trong nhà bọn nó đứa nào cũng có mánh khóe tinh ranh và rất khôn ngoan... Chắc chắn chuyện quen với chàng, tôi phải giấu nhẹm, giấu thật kỹ... Sợ mai kia mốt nọ chuyện chúng tôi không đi đến đâu tụi nó sẽ lấy tôi ra làm trò mà cùng nhau cười bể bụng cóc lác của chúng! Cho nên bốn mệnh kia không tên nào biết chị ả của nó đang có “bồ”.
Nghe chúng nói, nhưng xoay qua chuyện khác cố tình tránh đôi mắt bồ câu tròn xoe của nó nhìn tôi có vẻ nghi ngờ.
- Mầy nói gì Hồng Ân, tao không nghe, vì đang nghĩ đến cuối tuần về nhà không biết đòi má nấu món ngon gì cho con gái bà ăn đây!
Cô nàng trề môi, nhìn tôi cười bảo:
- Thôi bỏ đi, hỏi mầy để hỏi đầu gối sướng hơn! Ê mà thứ sáu mày có đi học tập Chính trị không Ái Châu? Ba mụ kia và tao đều có tên trong danh sách, nhưng không thấy tên mầy...
Tôi cười hề hề:
- Vậy sao, hôm đó không có trực nhưng không tên tao thì tốt quá, vì tháng rồi cái ông gì đó bên Ty Xã hội làm diễn giả với giọng nói “rè rè...” đều đặn, khiến tao buồn ngủ muốn chết! Không có tên tao lần này thiệt tình mừng húm đó tụi bây à!
Mỹ Chi lên tiếng:
- Từ hồi nào đến giờ tao thích Đ/Tá Lê Minh Đảo thuyết trình thôi. Ông ta điển trai, tốt trai, lành trai, hùng trai, oai phong trai, đẹp trai... Có giọng nói hào hùng, sống động, thỉnh thoảng chen vài mẩu chuyện nhỏ tếu tếu, mà không ngoài đề, thật hấp dẫn vô cùng...
Bạch Nhạn từ nhà sau bước lên cười hí hí, xía vào ví von:
- Tao cũng vậy, ông Lê Minh Đảo thuyết trình đã lôi cuốn người nghe thì chớ, ông ta còn có dáng vóc thanh cảnh, mỗi khi chào thì miệng cười tươi tắn có duyên làm lụy các nàng! Ông hay cầm cây ba-ton ngắn gọn, mang kính màu trông oai phong lẫm lẫm phải không tụi bây? Tao còn nghe nói ông ta cầm, kỳ, thi, họa môn nào cũng biết cũng hay, cũng giỏi... Ối giời ơi, thật chẳng công bình chút nào sanh ra người chi mà tài ba lỗi lạc đến thế, và quyền cao chức trọng đến thế nhỉ? Nếu mà có được người yêu như vậy, tao sẽ ăn chay một tháng để tạ ơn Trời Phật và ông bà Tơ Hồng...
Nghe nhỏ Bạch Nhạn nói, ba đứa tôi bụm miệng cười lùng bùng, cười ngất ngư con tàu đi, cười muốn nín thở, thì mụ Quỳnh Lan đang đứng trước gương chải mái tóc dài đen mượt, có cái giọng eo éo lớn họng:
- Ờ tụi mầy nói đúng đó Ái Châu, Bạch Nhạn tao cũng buồn ngủ quá chừng, nhưng cố mở to mắt ra, vì có anh chàng đẹp trai mới về làm bên Tòa Hành Chánh, đang liếc mắt đẹp tình tứ nhìn tao kìa. Ôi, khiến tim tao loạn nhịp tuị bây ơi...
Tiếng cười hô hố trong trẻo của Mỹ Chi vang lên:
- Nồi đất nồi đồng ơi, mày là đứa kỹ lưỡng nhất nhà, vậy mà phải lòng cái anh chàng ăn mặc lôi thôi, luộm thuộm, trông dơ dáy như mấy ông nghiện rượu, râu ria lổm chổm như lâu ngày không cạo, quần áo lếch thếch như ba tuần chưa tắm đó phải không?
Bạch Nhạn cười ha hả chõ miệng vào:
- Tụi bây thật đúng là mấy con yêu lồi... cứ nhắm vào anh chàng đó mà chê ỉ chê ôi hà. Đừng tưởng bở nghe, hôm nào con bạn làm chung với tao bảo hắn ta cùng “bồ” trông rất đẹp gái và xứng đôi, hai người thân mật tay trong tay đi thăm cồn ông “Đạo Dừa” đó bây à! Nghe đâu cô nàng là dân du học bên Tây mới về...
Hồng Ân cười hí hí:
- Vậy à, “nồi nào úp vung nấy” chắc bề ngoài thôi tụi bây ơi, chớ chị ả cũng “sạch sẽ” không thua gì hắn ta?
Quỳnh Lan lớn tuổi nhất nhà, nhưng chúng tôi lạ gì tính tình vui vẻ, hay chọc cười thiên hạ, hay nói tếu và rất bạo miệng. Mùa hè này chúng tôi sẽ dự đám cưới chị với anh chàng lính chiến người núi Ngự sông Đà. Chị làm bộ trợn mắt ngoe nguýt, hất phủ tóc bồng ngược về phía trước trông như mụ điên, rồi lớn giọng nạt tưới:
- Xì, này mấy đứa bây không lên tiếng ai bảo chúng mầy câm? Tao điều tra kỹ rồi, anh chàng đó tuy bê bối rượu chè và thỉnh thoảng còn đánh bài nữa. Nhưng tao tha thứ bỏ qua hết, ông nghiện rượu đánh bài thì tao khuyên bỏ từ từ, còn ở dơ một chút thì nhằm nhò gì. Bởi “ở dơ sống dai hơn ở sạch” bộ tụi mày không biết sao? Tao sẽ nấu nước ấm và mở hầu bao mua dầu thơm thượng hảo hạng “sạc-ne nom-bờ-phai i i i...” pha trong nước để ổng tắm cho thơm tho nữa đó nghe tụi bây!
Không hẹn mà cả bọn phá lên cười, cười ha hả, cười bò lăn bò lộn, cười hết ga-ăn-ti, cười chảy nước mắt, cười muốn vỡ cả nóc nhà. Chúng tôi là thế, tuy năm đứa không cùng chung cha mẹ, nhưng không cãi cọ, chỉ đùa giỡn chọc ghẹo nhau cho vui rồi thôi, chớ không nói đon nói ghen, thắc mắc, nhỏ mọn, hoặc nói xấu sau lưng người vắng mặt... Đó là nhờ chúng tôi lịch sự, đối xử chân thật với nhau, hợp ý, nên trong nhà “Ngũ Quỷ Nữ Kiều” chưa bao giờ hờn giận nhau, mà trong nhà luôn rộn rã tiếng cười nói vui vẻ.
Đang giành nhau nói hươu nói nai, chúng tôi không buồn để ý những gì chung quanh và không biết rằng ngoài trời rực rỡ nắng đẹp miền Nam đang trải lên trần thế. Vài con chim hót líu lo bay lượn trên không gian trong sáng, có lác đác từng cụm mây trắng ửng hồng, in trên nền trời xanh lơ, bồng bềnh trôi nhẹ theo hướng gió. Và tiếng máy nổ của chiếc trực thăng rè, rè... đang bay qua trên trời xanh ngát cao, rất cao.
Trong nhà chúng tôi con Hồng Ân là đứa ít nói, điềm đạm, nhu mì, dễ khóc dễ cười... mềm yếu, nhưng siêng năng cái gì cũng luôn nghĩ cho người khác rồi mới đến mình. Vì thế cô ả được bốn đứa tôi cảm mến nhất, nhưng tôi lại phải lòng nó nên là đứa được nàng ta tin tưởng, tâm sự và mến nhiều hơn ba con chích chòe kia. Hai đứa chúng tôi có sở thích na ná giống nhau, thích đọc sách, nghe nhạc, xem phim... Ngoài ra tôi còn thơ thẩn thích làm thơ viết văn ngay từ còn ở trường học Phổ Thông... Trong nhà đứa nào muốn viết thư thăm gia đình, thăm bồ, cần lá thư tình lâm ly bi đát thì hối lộ ly nước mía, chén chè hay trầu phim... để nhờ bổn cô nương thì chắc chắn có bức thơ “tình ca diễm tuyệt” hay hết chỗ chê!
Thời gian thấm thoát trôi qua, chúng tôi vẫn êm đềm chung sống bên nhau ngày hai buổi đi làm. Chị Quỳnh Lan đã kết hôn với ông Địa (lính Địa Phương Quân) là huấn luyện viên ở đâu bên Thất Sơn (miệt Chầu Đốc). Nàng ta đang chờ lệnh thuyên chuyển theo chồng... Hai đứa nữa lập gia đình là Bạch Nhạn, phu quân nó là ông giáo già vừa thụ huấn quân sự ở Thủ Đức. Hôn phu của Mỹ Chi là anh chàng lính biển, đang học chuyên môn ở Mỹ, đã định ngày, tháng đám cưới, còn đâu 2 tuần nữa anh ta về nước. Chỉ có tôi và nhỏ Hồng Ân đang dậm chân tại chỗ, chẳng có “mống” nào tình nguyện đưa đón trước sau giờ tan sở cả! Hoặc chuẩn bị “rước nàng về dinh” cả.
Thông báo văn phòng bên Tòa Hành Chánh tỉnh sẽ tổ chức một buổi tiệc tiễn đưa Đại tá Tỉnh Trưởng Lê Minh Đảo rời Mỹ Tho đi nơi khác nhận nhiệm sở mới. Tôi nhớ không lầm thì lúc đó hình như vào đầu mùa xuân năm 1972(?) Buổi tiệc tiễn đưa số người mời hạn chế, bệnh viện chỉ có bác sĩ Giám Đốc, ông quản lý, tôi và Hồng Ân. Có lẽ tình hình an ninh không tốt lắm, chớ mời thả ga thì sẽ rất đông, vì Đại Tá Tỉnh Trưởng Lê Minh Đảo được quân, dân, cán, chánh ở Định Tường thương yêu kính mến.
Buổi tiệc tiễn đưa có khoảng năm mươi người, hầu hết là Trưởng Ty, Giám Đốc hoặc Chánh văn phòng các ngành nghề trong tỉnh ở thành phố. Nhìn qua, ngoảnh lại chỉ có hai đứa “tà lọt” (tôi và Hồng Ân) là nhân viên chuyên môn bình thường thôi. Lúc học tập Chính trị, Đ/Tá Lê Minh Đảo làm diễn giả đứng trên bục cao khí thế oai hùng thao thao bất tuyệt, khi xong buổi thuyết trình, ông chào tất cả mọi người. Trong khi thính giả như chúng tôi còn đang lớ ngớ thì an ninh tùy tùng đứng chắn mọi ngõ ngách rồi đưa ông ra cửa riêng biệt đi mất dạng.
Đêm nay, nhờ ngồi gần tôi mới thấy rõ dung nhan của ông, và mới nhận xét về nhân vật đầu tỉnh nhà, mà bấy lâu nay thiên hạ đồn đãi rất nhiều điều, đôi khi gần như thần thoại hóa câu chuyện. Họ bảo lần đó ông hành quân lọt vòng tử địa của giặc đã bủa giăng nhiều mìn bẫy tấn công để bắt sống ông. Ông cùng người tùy tùng chạy vào nhà dân, được gia đình này che chở, giấu trong bồ chứa lúa... Ông thấy rõ địch đi qua đi lại tìm kiếm bắt ông... để rồi đến trời gần sáng địch rút đi, lính tiếp viện đến... Nghe chuyện ai cũng giật mình và nghĩ rằng ông may mắn có số lớn, thoát được tai nạn nguy hiểm trong đường tơ, kẻ tóc.
Trong bàn tiệc có bác sĩ Giám Đốc, Đ/Tá Lê Minh Đảo, Hồng Ân, tôi kế tôi có cặp vợ chồng Trưởng Ty bưu điện, cùng mấy người đàn ông khác ăn mặc lịch sự. Trong mắt tôi, thoạt nhìn Đ/Tá Tỉnh Tưởng Lê Minh Đảo, là một đàn ông trẻ, lanh lợi, ốm, cao, khỏe mạnh, mặt mày sáng sủa, điềm đạm, mũi thẳng, mắt tròn to có thần ngời sáng. Phải công nhận ông là một người đàn ông tràn đầy sức sống, hào hùng mặt mày tươi tỉnh, giọng nói sang sảng, giọng cười giòn giã thống khoái. Nói tóm lại là một người đàn ông trẻ có vóc dáng khỏe mạnh, khôi vĩ, tự nhiên, tự tin nói cười vui vẻ, tay bắt mặt mừng với mọi người... và với Hồng Ân. Ông cũng không quên mời tôi ly nước, có lẽ vì con vịt bầu Ái Châu đang đứng cạnh con thiên Nga Hồng Ân.
Đến mục văn nghệ, Đ/tá Lê Minh Đảo vừa đàn vừa hát bài “Anh Về Với Em” của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh. Tiếp theo ông đờn cho nhỏ Hồng Ân hát bài “Người Yêu Cô Đơn” của nhạc sĩ Đài Phương Trang. Mèn ơi sống chung nhà với nó bấy lâu nay, mà tôi không biết Hồng Ân đẹp như vậy, và có giọng ca lúc lên cao, khi xuống thấp êm đềm ngọt ngào... Và nồi ơi, tôi cũng mới chợt phát hiện đêm nay cô nàng diện đẹp hơn bình thường. Áo dài thướt tha màu hoàng yến, cổ bẹt với khăn “phu-la” mỏng, dài màu xanh lá mạ khoác trên vai nửa kín nửa hở. Đêm nay trong mắt tôi có nhiều cái “không ngờ” về nhỏ lắm hè!
Đôi ba cặp bước ra sàn nhảy theo nhạc điệu du dương, lúc êm dịu, khi rập rờn vui tươi... Đ/Tá Lê Minh Đảo khiêu vũ với Hồng Ân thật là điệu bộ, con nhỏ rất sành sỏi. Những bước nhún, nhảy... của họ nhịp nhàng theo tà áo dài thướt tha, lả lướt như rồng bay phụng múa, trông thật diễm tuyệt! Hai người họ khiêu vũ khiến tôi mê tít thò lò như bị thôi miên, và nghĩ thầm lần này về mình sẽ bắt nó dạy mới được. Bỗng có anh chàng lính trẻ đến mời ra khiêu vũ, tôi giật mình mở to mắt “trời đất, mình có biết nhảy nhót chi đâu” tẽn tò lắc đầu từ chối, lúc đó tôi cảm thấy mình thiệt là quê một cục, và mắc cỡ quá chừng chừng đi thôi! Tôi ngồi thừ người ra đó hết ăn, rồi uống, rồi vỗ tay cổ võ cho những người lên đàn hát giúp vui, và sau bài hát chấm dứt...
Buổi tiệc nào rồi cũng tàn quan khách ra về, chúng tôi ra về. Bác sĩ Giám đốc bệnh viện có nhã ý đưa chúng tôi về vì cũng gần đến giờ giới nghiêm. Tôi mừng thầm may mắn định bước theo ông ta, thì nhỏ Hồng Ân nhẹ kéo tay tôi lại:
- Cảm ơn bác sĩ về đi, nhà không xa lắm, em và Ái Châu đi bộ tình tang để ngắm sao trời.
Ông cười toe cái miệng tự nhiên, và ý nhị:
- Vậy cũng được, trên trời có hằng hà sa số các vì sao hai cô định hái hay ngắm sao trời đây? Các cô thi vị quá! Thôi chào mai gặp...
Về đêm trên đường vắng bóng người, dọc hai bên có những tàn cây bã đậu cao, và những cây me già thân to hai vòng tay ôm không hết. Lác đác những trụ có bóng đèn tỏa ánh sáng vàng võ trên cao, bay quanh quẩn những con thiêu thân. Nền trời tối thui nhìn kỹ định thần sẽ thấy li ti những giề sao sáng chiếu nhấp nhánh... Thỉnh thoảng có chiếc xích lô chở khách nhanh qua, trong khi tôi và Hồng Ân làm thinh chẳng nói lời nào, mỗi đứa theo ý nghĩ riêng của mình... Khi tôi biết thì quê hương lúc nào cũng có chiến tranh, sợ thấy đau thương của tha nhân, nhưng tôi lại vào ngành y để rồi hằng ngày phải chứng kiến sự oằn quại của người bị thương, hoặc săn sóc những bệnh nhân bịnh hoạn, bị tai nạn, mà trẻ cũng như già lúc nào cũng có!
Hai đứa đi ngang qua bệnh viện bên ngoài vắng vẻ, ở nội khoa, ngoại khoa đèn lờ mờ, chỉ có phòng cấp cứu đèn sáng choang. Mặc dù là bệnh viện nhưng thỉnh thoảng vẫn bị giặc pháo kích vào, bởi là giặc thì có nơi nào chúng chừa dù là trường học, giáo đường cũng không tha! Tôi thở dài vì có những bệnh nhân nằm trong bệnh viện không chết vì bệnh, mà chết vì đạn pháo vô tình của Việt Cộng nã bừa vào thành phố... gây biết bao nhiêu cảnh tàn phế, thương vong! Lòng tôi chợt thấy xót xa và buồn se thắt!
Cơn gió đêm mát rượi lướt qua, chúng tôi đi bên nhau nhưng tôi đi sau Hồng Ân chừng một bước. Tôi giật mình đánh độp chợt thấy đôi vai nhỏ run run, và lấy tay quệt nước mắt? Thảng thốt tôi nhẹ giọng hỏi nhanh:
- Bộ mầy khóc hả Hồng Ân, tại sao, có điều gì khiến mày buồn sao, hay chuyện gì? Chúng mình vừa đi dự tiệc về vừa no bụng vừa vui vẻ quá bởi mày hát hay khiêu vũ giỏi... thì có gì mà mày khóc vậy Hồng Ân?
Tôi lẹ chồm qua ôm vai nó vừa hỏi lia lịa như hối thúc chờ câu trả lời. Con nhỏ quay lại ôm chầm lấy tôi, càng khóc lớn tiếng hơn, và dòng lệ trào tuôn như mưa như gió bão! Tôi vừa bàng hoàng, vừa hoảng hốt lo sợ lính quýnh không biết chuyện gì đến, mà con nhỏ khóc dữ dội như thế này? Tôi vội dìu nó đến ngồi trên chiếc băng đặt kế gốc cây bã đậu bên đường... Ngồi yên lặng để nó khóc đã đời cho dịu cơn đau buồn. Lúc sau vừa lau nước mắt còn hụt hẫng trong tiếng khóc, nó bảo: “Khổ tao lắm Ái Châu ơi! Khổ tao lắm, tao muốn chết cho rồi... Hãy giúp tao, hãy cứu tao...” Rồi Hồng Ân lại tiếp tục khóc hu hu một chập nữa “... Hãy giúp tao, hãy cứu tao Ái Châu ơi...” Nhỏ cứ khóc hoài mà không nói nguyên nhân, tôi vừa lo vừa thiệt là bực mình:
- Hồng Ân à muốn tao giúp gì, mà mầy đau đớn khổ sầu như vậy? Phải nói ra cho tao biết mới giúp mầy được chớ? Nói đi, đừng khóc nữa hãy nói đi Hồng Ân...
Nó ngồi thừ người ra đó chẳng nói chẳng rằng. Chuyện bất ngờ xảy đến tôi quên đi đã sát nút giờ giới nghiêm, và cơn gió đêm khiến tôi rùng mình vì lạnh. Vừa lo vừa bực, hết còn mềm mỏng và lịch sự nữa, tôi gắt:
- Mày không nói thì thôi, đi về lẹ bởi gần tới giờ giới nghiêm rồi, hai đứa lang thang ngoài đường coi chừng bị bắt đêm nay ngủ chuồng chó đó.
Hồng Ân đứng lên đi như không vững, tôi phải dìu nó đi thì trên xe hai ba người cảnh sát trờ đến...
- Hai chị có biết đến giờ giới nghiêm rồi không, đi về nhà lẹ lên, kẻo bị bắt và còn bị phạt nữa...
Tôi quên hết bực bội Hồng Ân, lanh miệng:
- Dạ, dạ, cảm ơn mấy ông cảnh sát, tôi và cô bạn dự tiệc, tìm hoài xích lô không có, cô bạn tôi bất ngờ bị trúng gió nên kè cổ về nhà đây...
Từ trong xe cảnh sát có người lớn tiếng vọng ra:
- Có phải cô Ái Châu làm ở bệnh viện không? Nhà ở đâu chúng tôi đưa hai cô về.
Thì ra ông cảnh sát Tùng, hai tuần trước có con nằm ở trại ngoại khoa. Tôi mỉm cười cảm ơn rối rít, và từ chối:
- Cảm ơn ông không dám làm phiền, gần đến nhà rồi, ở ngã tư trước kia thôi, chúng tôi đi về được...
Về đến nhà Hồng Ân giành tắm trước cho mát mẻ. Con nhỏ khóc đã, coi bộ mệt, tôi vừa mở cửa nhà tắm bước ra thì nghe tiếng gáy như bò rống của nó rồi, nên chẳng hạch hỏi được gì cả. May mà ba con kia đứa thăm chồng, đứa về nhà ngoại đám giỗ, đứa đi chơi với bồ vắng nhà, nếu không thì thế nào cũng bị chúng khảo tra chớ dễ gì để nhỏ Hồng Ân đi ngủ.
Chiếc đồng hồ treo tường đờn từng tưng rồi dõng dạc gõ 1 tiếng. Đã một giờ sáng rồi còn gì, gió mát đượm hơi sương lành lạnh thổi qua đưa cành lá cây mận cọ quẹt vào vách nghe rào rào. Hương dạ lý của nhà hàng xóm ngọt ngào theo làn gió nhẹ len lén qua song cửa số vân vê trong căn phòng nhỏ của chúng tôi, thật dễ chịu vô cùng.
Tôi còn đang lim dim trong cơn nửa ngủ nửa thức vì tiếng động lụp cụp từ dưới bếp đưa lên. Mùi món ăn hấp dẫn khiến tôi tung mền bật ngồi dậy như chiếc lò xo. A thì ra đêm qua tôi phải kè nó về nhà mỏi tay gần chết lại thức trắng đến gần tới sáng mới chợp mắt. Chớ không phải như trong bài hát nào đó có câu: “...Thức tròn đêm nay để nhớ thương anh...” có anh hoặc có em để mà nhớ thương thì có thức cả tháng tôi cũng chẳng ngán chút nào đâu! Con mắc tội Hồng Ân có lẽ cảm thấy có tội lỗi vô cùng kể với con Ái Châu bạn nó đây, nên thức sớm nấu nhiều món ăn ngon để trám miệng con bạn nổi tiếng tham ăn vừa trắng lại vừa cà-chớn này chớ gì!
Ăn xong hai đứa tôi ngồi uống trà, thì Hồng Ân tỉ tê tâm sự. Trước khi kể câu chuyện “lòng” con này rào trước đón sau buồn giọng, bảo:
- Chuyện thầm kín này của tao “sống để dạ, chết mang theo”, có lẽ mày là đứa biết đầu tiên và cũng là sau cùng. Ái Châu có hứa với tao mày không nói với ai chớ?
Nhìn cái mặt bí xị thảm não của con nhỏ tôi mắc tức cười, nhưng cố dằn xuống, làm như chị “ả” lớn tiếng:
- Nè Hồng Ân, mày cũng biết con bạn Ái Châu của mày khù khờ và cù lần lắm. Chớ tao không khôn ngoan như con Mỹ Chi, không biết người biết ta như Quỳnh Lan, không ngọt như đường cát mát như đường phèn như con Bạch Nhạn, dù trời có đánh té cái đùng, nó cũng lồm cồm ngồi dậy ngọt giọng nói câu: “...xin lỗi, cảm ơn...” dù nó không tội vạ chị cả! Nếu mày tin tưởng con bạn nầy thì cứ nói ra coi tao có thể giúp gì được cho mầy, còn không thì cứ ôm để dành trong bụng đi... đừng có ở đó mà rào trước đón sau tao nghe ứa gan, ngứa phổi lắm nghe mậy...
Con nhỏ Hồng Ân ngồi đối diện với tôi, mặt nhìn xuống, giọng buồn buồn như kẻ có tội đang cầu xin. Cô kể với giọng trầm trầm không lên giọng xuống giọng như bình thường lúc kể chuyện gì đó cho cả bọn nghe, đôi khi còn pha trò tiếu lâm để chọc cười nữa. Nó đang kể cho tôi nghe chuyện tình của nó đó, nó kể đều đều như tiếng mưa đang rơi ngoài hiên nhà, và sắc diện không chút thay đổi.
Ngoài trời mưa vẫn rơi những giọt mưa trong vắt rào rạt, không có giông, thỉnh thoảng chỉ có tia chớp sẹt qua và sấm gầm gừ, vẳng vọng từ xa... Cả bầu trời xám ngắt, không gió cho nên dù mưa lớn dai dẳng như trút nước, các cây cối vẫn đứng im lìm bất động... Có phải thiên nhiên cũng thương cảm cho mối tình đầu đời hồn nhiên... của cô gái trẻ mới rời trường học nghề, đang xông pha hăng hái vào công việc quá bận rộn vất vả và trách nhiệm của một y tá trong nước vào thời điểm chiến tranh khốc liệt của quê hương chúng tôi sinh ra và lớn!
Thời gian cứ nhẹ nhàng lặng lẽ trôi qua không buồn tiếc nuối, nhưng thế nhân cứ canh cánh bên lòng, với tâm tư: hỉ nộ ái ố không nguôi. Cuộc nội chiến ngày càng quyết liệt giữa tự do, và Cộng sản triền miên ở đất nước tôi đã khiến cho dân hai miền Nam Bắc sống đau thương quằn quại, lẫn hận thù! Mà nghề nghiệp của tôi và Hồng Ân ngày càng vất vả, nhọc nhằn thêm.
“Ngũ Quỷ Nữ Kiều” chúng tôi tản mát khắp nơi, đứa theo chồng, đứa chuyển đi nơi khác. Mỹ Chi qua đời trong lúc đi công tác, khi chồng nó lính biển lúc ngoài khơi, khi ở sông ngòi bôn ba trong những trận hải chiến gian nan nguy hiểm “...Nhưng không chết người trai khói lửa... mà chết người em nhỏ hậu phương tuổi xuân thì...” tôi đã khóc khi nghe ai hát câu ca đó. Bởi ai đoán trước được tương lai, mà chồng tôi cũng là một quân nhân!
Tôi lập gia đình với anh chàng khi về làm việc ở Mỹ Tho mới quen. Gia cảnh chàng không mấy hài lòng gia đình bên nhà gái, nên chúng tôi có đám cưới nghèo và buồn! Nhưng tôi lại không buồn, bởi tôi là đứa đơn giản, ít để ý dòm ngó, so sánh cá nhân về những chuyện chung quanh, như: Giàu, nghèo, dáng dấp dung nhan, nghề nghiệp, địa vị... như những phụ nữ khác, ở lứa tuổi có hoàn cảnh hiện tại gia đình như tôi.
Bởi tôi nghĩ rằng, hai người khác phái chưa lập gia đình, miền Nam nầy có nhiều lắm, nhiều không sao đếm cho hết! Ở một góc nhỏ nào đó trên vùng đất quê Nam đừng nói chi xa vời các nước khác, mình quen và yêu thương được một người khác phái, thật khó khăn vô cùng! Gặp được đối tượng chân thật yêu thương lại mình càng khó hơn lên trời! Bởi vậy sau gần hai năm quen biết, chàng ngỏ lời cầu hôn thì tôi bằng lòng ngay!
Sau khi tôi lập gia đình, Hồng Ân vẫn sống chung với tôi. Vì nhà vắng vẻ, và chồng tôi ít khi về, chàng là lính thiện chiến của SĐ 21/BB (có biệt danh Sét Miền Tây) rày đây mai đó gần như khắp 4 vùng chiến thuật! Đến khi tôi sinh đứa con đầu lòng thì Hồng Ân dọn ở nơi khác, sống một mình yên tĩnh để nhớ thương chàng của lòng nó chăng(?).
Bao nhiêu thăng trầm, vật đổi sao dời trên cõi đời này theo cái tích tắc của kim quay đồng hồ. Kể từ năm 1975 đến nay, tính ra cũng hơn 45 năm rồi. Nói dài thì không dài vì nó qua cái vèo, nói ngắn thì không ngắn 40 năm đã hơn nửa đời người. Sau khi Việt cộng trước Cộng Tàu “nồi da sáo thịt” dân tộc mình, cùng cưỡng chiếm và nhuộm đỏ Việt Nam. Cùng chung số phận với những “ngụy quyền” có chồng là “ngụy quân” nên tôi không được vào biên chế (nhân viên) nhà nước. Mặc dù chàng của tui giải ngũ từ năm 1972 (trên chiến trường An Lộc với cấp độ tàn phế 70%) đau ốm triền miên... nhưng vẫn bị tù cải tạo!
Chồng ra tù gia đình chúng tôi vượt biên (may mắn nhờ chị bạn, là em vợ chủ tàu bảo lãnh ra nước ngoài trả tiền...). Gần một tháng lênh đênh trên biển cả, 8 tháng từ đảo này qua đảo khác... Nhờ Ơn Trên che chở tôi và con gái vật lộn với những cơn bịnh cảm, ho, sốt rét... tưởng đâu tiêu tán đường, làm mồ vô chủ trên bờ biển khơi rồi!
Vào Mỹ khi cuộc sống tạm thời ổn định, gần mười năm sau, người bạn rất thân còn là đồng nghiệp tôi muốn biết đầu tiên là Hồng Ân. Được thư đứa em họ cho biết có gặp Hồng Ân mấy lần đi chợ mua đồ ở chợ Mỹ Tho. Con nhỏ bảo đã nghỉ hưu trí về sống với mẹ già, ở dưới quê và chăm lo đất vườn có rẫy nương, và trồng cây ăn trái... Chúng tôi thư từ thăm hỏi... dần dà sau này mới có điện thoại, điện đàm cho nhau. Nó vẫn chưa lập gia đình, có nuôi đứa cháu con cô em gái tên của đứa bé là Hồng Tâm, trên mặt pháp lý khai sanh là con của Hồng Ân.
Vào năm 1993, báo chí Việt Nam trên đất Mỹ, các đài truyền hình các nước như: VOA, BBC... báo tin cựu Th/Tướng Lê Minh Đảo đã đến Hoa Kỳ. Tôi nghe ngóng và tìm xem hình ảnh sau hai mười mấy năm bây giờ ông ra sao, của một thanh niên ưu tú, cầm kỳ thi, họa môn nào ông cũng giỏi, cũng hay, tài mạo song toàn, đức độ ít ai sánh bằng... Khi thấy rõ hình ảnh ông trên các tạp chí, truyền hình... tôi gọi điện thoại cho nhỏ Hồng Ân. Hai đứa hỏi thăm ba điều bốn chuyện... thì tôi tằng hắng lấy giọng êm mát ngọt như mía lùi, hỏi nhỏ:
- Ê, Hồng Ân mày còn nhớ ông Lê Minh Đảo không? Lúc trước hồi còn đi làm ông thường làm diễn giả trong những buổi học tập Chính trị ở hội trường đài phát thanh, tụi mình đi nghe đó... Lâu quá mày có tin tức gì của ổn không?
Nhỏ trả lời liền, không chút suy nghĩ hay đắn đo:
- Nhớ chớ, nhớ rất rõ... Nghe nói ông bị cải tạo... nhưng từ khi mày đi rồi, kế đó tao nghỉ hưu ở nhà nên có biết trời trăng gì đâu... Tao không biết tin gì cả, mà tại sao hôm nay mầy hỏi vậy, mày có tin gì về ổng hả?
Bên đầu dây kia ở mãi cố hương, cách Mỹ nơi tôi đang nói chuyện với nó hơn nửa vòng trái đất, nhưng vẫn nghe tiếng chép miệng thở dài của Hồng Ân... Bất chợt cơn buồn lại đến, tôi cảm thấy ái ngại và xót xa! Đầu dây bên kia có tiếng hỏi lớn:
- Ái Châu, Ái Châu... mày còn đó không, và có nghe tao hỏi không?
Tôi chối quanh, trả lời nhanh:
- Có, có... còn đây, tại tao đang hớp ngụm nước...
- Mày biết tin gì về ổng à?
Tôi trả lời yếu xìu:
- Ờ, ông qua Mỹ rồi... nghe nói vợ con ổng đi trước. Ổng cải tạo về mới qua đây thôi! Mấy chục năm, lâu quá rồi... giờ mày còn nghĩ ngợi gì về ổng nữa không Hồng Ân?
Con nhỏ nghe tôi hỏi, không vội trả lời như lúc nó vội vã muốn biết tin ông đã hỏi thăm tôi! Con nhỏ thật cố chấp, biết nó vẫn ôm mối tình đơn phương vô vọng đã mấy mươi năm rồi, tôi cố tình cười lớn vui vẻ... may ra trấn áp được chút nào nỗi buồn thầm kín trong lòng nó, tôi bảo:
- Có tao có thấy hình ảnh ổng trên tạp chí và trên truyền hình. Mấy mươi năm rồi nếu ai không nói tên chắc chắn tao không biết ổng là ai. Dung nhan mùa hạ của thuở ngày xưa cường tráng, oai hùng... đã phôi phai, bởi gánh hệ lụy đè lên thân thể đã nhòa nhạt vẻ yêu đời trong ánh mắt nụ cười của ổng. Sau bao nhiêu năm thăng trầm trong cải tạo bị đày đọa thê thảm, thể chất bị ít nhiều biến dạng, và tao nghĩ tâm hồn cũng ảnh hưởng không ít... Thì sắc diện làm sao không thay đổi theo năm tháng của cuộc đời mậy... Tao khuyên mầy, hãy quên sạch sẽ đi, vì thần tượng sụp đổ rồi Hồng Ân ơi!
Tôi nghe được tiếng thở dài của nó bên kia đầu dây điện thoại. Nó chép miệng, rồi nhỏ giọng:
- Thuở ngày xưa tao là con chim xanh tung tăng bay lượn trên bầu trời cao rộng, ông ta là đám mây đẹp lả lướt nhẹ nhàng theo hướng gió. Nhưng con chim làm sao đậu trên đám mây mậy, tao biết chớ thời gian sẽ làm phai mờ phôi pha mọi sự việc trên trần gian. Bây giờ thì mày không phải lo nữa, đôi khi tao đã quên mất tiêu. Khi bất chợt nếu có nhắc đến chuyện xưa như hôm nay, trong tâm tư tao cũng xao động cũng như chiếc là rơi xuống mặt nước chỉ gợn nhẹ rồi mất hút trong phẳng lặng... vì bây giờ tất cả chỉ là kỷ niệm rồi Ái Châu ơi!
Hồng An nói đúng, mọi sự việc đã qua mấy mươi năm rồi, trong tận đáy tâm hồn nó giờ cũng đã nhạt nhòa theo năm tháng, theo thời gian! Nhưng tôi thì không quên, nên tôi vẫn nhớ như mới ngày nào, chừng vài tuần trước, hay tháng trước đây thôi!
Số là Hồng Ân và tôi dự dạ tiệc tiễn đưa Đ/Tá Lê Minh Đảo, rời chức Tỉnh Trưởng Định Tường đi nhận nhiệm sở mới. Cuối tuần, nhà trọ chỉ có hai đứa ba con bạn kia không ở nhà, trong lúc ăn sáng, tôi bèn gợi chuyện về tối hôm qua nó khóc trên đường về, giờ mắt nó vẫn còn “bụp” vì khóc nhiều.
Tôi ái ngại nhìn nó dò xét, rồi nhẹ giọng:
- Hồng Ân à, hôm qua chuyện gì làm mày khóc, trước đó tao nghe mày hát hay và khiêu vũ... vui lắm mà?
Buông đũa, lại rót hai ly nước trà tỏa hơi nóng cho nó và tôi. Hồng Ân trở lại ngồi vào chỗ cũ, trong khi tôi dọn mâm chén dĩa để vào bồn rửa chén, cũng ngồi xề vào chỗ cũ. Nét mặt con nhỏ buồn buồn, đăm chiêu tư lự như đang nghĩ ngợi chuyện gì lung lắm. Ngoài trời đang mưa thỉnh thoảng chiếc màn cửa sổ bằng voan tung lên rồi hạ xuống mỗi khi cơn gió thổi qua. Mắt long lanh màn lệ mỏng.
Hồng Ân nhìn sâu vào mắt tôi rồi nhỏ giọng:
- Mày muốn biết tại sao tao khóc phải không? Trước khi nghe tao kể mày phải hứa không nói lại với bất cứ ai, “sống để dạ, chết mang theo” trừ khi nào tao chết trước mới được nói, mày có hứa không?
Tôi nhìn nhỏ dò xét, rồi cứng giọng:
- Chuyện gì mà ghê gớm dữ vậy? Nếu chuyện mày kể không hại tao, không hại người khác thì tao hứa, còn biểu tao giữ kín để mày đâm heo thuốc chó thì đừng có hòng!
Trong giọng đẫm nước mắt, nó ngập ngừng rồi nói nhanh: “Tao đã yêu rồi Ái Châu à...”
Tôi chưng hửng nhưng cười ngất, cao giọng:
- Mày còn độc thân, xinh đẹp, trẻ trung... thì chuyện mầy yêu, dưới ánh sáng mặt trời có gì ghê gớm là lạ đâu mà khóc như ri, khóc như sắp chết đến nơi vậy! Đồ con yêu lồi, chuyện mày yêu đương làm tao lo muốn nín thở hà! Vậy mầy yêu tên nào, phải thằng cha nha sĩ già mới ở Pháp về đó không? Được đó, răng tao có cái nhức muốn chết định hôm nào tao nhờ ổng nhổ bỏ đây! Tuy ông ta hơi đứng tuổi nhưng đàng hoàng, vui vẻ và còn độc thân là tốt lắm, tiến tới đi...
- Nói bậy, không phải ông đó.
- Vậy hả, ai vậy cà... có phải dược sĩ Hân không? Chắc là đúng rồi, nhớ hôm thứ hai đi lãnh thuốc, tao thấy ổng cứ nhìn mầy hoài, còn cười mỉm chi cọp nữa. Cũng tốt lắm, ông ta hơi lùn một chút, nhưng đàn bà cao trộm, đừng lo nếu đứng gần, mày sẽ thấp hơn ổng một tí!
- Cũng không phải!
Thấy vẻ mặt con nhỏ đầm đầm tôi chọc ghẹo:
- Hay thằng Định cà thọt “chân thấp chân cao” làm ở thí nghiệm? Hay là bác Ba tài xế chết vợ nửa năm trước, phải không?
Hỏi xong câu đó, không nhịn được tôi cười ha hả, cười rũ rượi... Hồng Ân nhăn mặt, trố mắt lườm tôi:
- Đồ điên, tao thiệt tình mà mầy cứ cà chớn nói giỡn hoài...
- Vậy là ai, mầy nói đi đừng để tao đoán mò nữa...
- Đ/ Tá Lê Minh Đảo.
Tôi dụi mắt rồi mở to nhìn sồng sộc vào nó?
- Đừng nhìn tao như vậy, là Đại Tá Lê Minh Đảo!
“Trời đất!” tôi chỉ thốt hai tiếng đó rồi như bị hụt hơi, không nói được lời nào nữa, và cảm thấy lạnh cả người, vì một sự việc xảy ra ở nó, thật quá sức tưởng tượng với tôi! Tôi cảm thấy như mình đang say sóng, tâm tư rối nùi hụt hẫng! Tôi thấy đôi bàn tay nó đang che dòng lệ chảy dài xuống má!
Sau mấy phút ngỡ ngàng, lấy lại bình tĩnh, tôi nhẹ giọng:
- Chuyện xảy ra hồi nào, lâu chưa?
- Năm rồi, lần đầu tiên gặp hôm học tập Chính trị ở hội trường...
- Trời ơi! Bộ tiếng sét ái tình sao mà lần đầu tiên thấy mặt thì yêu liền ông ta vậy?
Hồng Ân cúi đầu như kẻ phạm tội, nói lí nhí trong miệng:
- Ai cũng biết tình yêu là thỏi nam châm mà, chỉ bị hút khi nào mình có tình cảm mà thôi! Tao cũng biết thật không xứng, bởi người xưa thường bảo: “Gối rơm theo phận gối rơm/ Có đâu dưới thấp mà chồm lên cao”.
Chuyện của nó mà tôi cảm thấy mình đang lững đững lờ đờ như kẻ mất hồn, đứng không vững, ngồi không yên.
Thở dài, tôi chép miệng:
- Trời ơi, không biết nói sao mặc dù tao không có ý xấu. Nhưng chuyện này không được Hồng Ân à, chuyện sẽ không đi đến đâu, chỉ khổ thân cho mày thôi, hãy quên đi! Tại sao biết không được mà cứ lủi đầu vào, nhưng mầy có hẹn hò hay gặp gỡ riêng tư với ổng lần nào chưa?
- Chưa gặp riêng lần nào, cũng chưa nói chuyện riêng tư thân thiện thì nói chi đến tỏ tình! Và tao cũng biết ổng đã có vợ con rồi...
Nghe đến đó tôi khựng lại phát ghét, và nổi nóng:
- Trời đất quỷ thần ơi! Tội nghiệp quá đi, vậy là mày điên rồi thiếu gì người chưa có gia đình để ý tới mà mầy không bằng lòng... Lại thương thầm thương lén một người quá xa ngoài tầm tay với của mình, đã có thê tử đề huề. Tao khuyên mầy đừng cố chấp, hãy quên ổng đi, đừng có điên nữa... Hồng Ân ơi, thiên hạ, vạn vật vốn rất cô đơn, niềm vui chỉ trong một lúc, một khoảng thời gian ngắn. Còn tình cảm và đau khổ là con đường dài không chỗ ngừng lại đó mày à. Nếu có giải thưởng, tao chắc chắn mày sẽ được lãnh huy chương vàng về tình yêu đơn phương!
Trong giọng sũng đầy nước mắt:
- Những lý lẽ mày khuyên tao đều biết, đều hiểu cả và cũng đã nghĩ qua hàng ngàn lần rồi. Nhưng tao không thể nào điều khiển được khối óc và trái tim mình “Vì tình yêu không phải dễ xóa nhòa/ Một mối gút đầu đời tao trót cột!” Tao đã yêu và yêu tất cả, tất cả mọi thứ xấu, tốt... của ông ta. Tao không sao diễn tả hết được, nhưng tao hạnh phúc khi nghĩ về ông ta. Yêu đơn phương không cảm thấy bất hạnh, cô đơn, tao cô đơn và đau buồn khi nào ở bên người khác mà nghĩ đến ổng! Trên đời này nếu dính vào yêu, thì từng yêu còn hơn chưa yêu, mầy đừng buồn lo cho tao, mà mày hãy nhớ giữ lời hứa là đủ rồi!
Đang lúc hăng tiết vịt hằn học định cằn nhằn, rầy la khuyên bảo... nhưng nghe nó nói, lòng tôi bỗng dưng chùn lại xót thương, trách hờn, buồn, giận lẫn lộn. Trời ơi, sao oái oăm như vậy? Thiệt tôi ớn xương sống muốn phát bệnh! Tình yêu là đề tài muôn thuở đã khiến thế nhân, và văn thi nhân tốn không biết bao nhiêu giấy mực... Nó đã cô đọng thành khối vô thể từ thuở ông A Dong, bà A Dà, và lưu truyền từ đời nầy qua đời khác cho đến ngày nay... nhưng không ai có thể diễn tả và nói hết ý nghĩa của nó được!
Thật tình mà nói, tôi có cái miệng chót chét và hay lo việc bao đồng, chớ thật ra có biết gì đâu, không có một chút kinh nghiệm nào về vần đề tình yêu đôi lứa. Thuở đó, tôi chỉ mới quen với anh chàng lính chiến miền xa, thỉnh thoảng tôi nhận thư anh từ đâu đó trên quê hương mà lúc dưỡng quân, anh đã viết cho, hoặc nghỉ phép về thăm nhà tiện thể ghé thăm tôi. Trong dịp đó chúng tôi đi ăn, đi xem phim hay đón tôi tan sở đi bách bộ trên đường về nhà trọ. Chúng tôi trao đổi với nhau những mẩu chuyện nho nhỏ thường ngày nơi anh đã đi qua, và nơi tôi làm việc... Nhận được thư anh tôi vui và cảm thấy ấm lòng hạnh phúc, yêu đời. Lâu không được thư, anh không về thì tôi cảm thấy cơn buồn lởn vởn như mất mát thứ gì đó không hữu hình! Chúng tôi cũng chưa thề non hẹn biển, hứa hẹn với nhau điều gì, cũng chưa có gì bự sự để oán ghét nhau nếu việc không thành... Nên tâm hồn tôi rất thoải mái không cảm thấy bị ràng buộc, và bị áp lực.
Nghe thấy tận mắt chuyện tình yêu của Hồng Ân, khiến tôi xót xa và buồn lây với nó! Chép miệng thở dài, tự hỏi “Tình yêu là cái chi mà nó mạnh mẽ khiến cô bạn hồn nhiên, vô tư, yêu đời của tôi trở nên yếu đuối và có thể dễ dàng phạm tội!” Lạy Trời cho tình yêu đơn phương không tồn tại lâu dài trong tâm tư nó! Khi Hồng Ân thổ lộ tâm tình thầm kín trong lòng nó, tôi mới chợt nhớ, thì ra: mỗi lần học tập Chính trị, ông ấy là diễn giả thì lúc nào nó cũng có mặt, dù cho có bận rộn hay trực ngày đó không bắt buộc phải đi... nhưng nó cũng đổi trực với đồng nghiệp để đi dự. Và đến khi rõ chuyện, tôi mới biết Hồng Ân là em họ bác sĩ Giám Đốc, thuở đó chính con nhỏ đã gặp ông và xin cho tôi với nó cùng dự buổi dạ tiệc tiễn đưa Đ/Tá Tỉnh Trưởng Lê Minh Đảo!
Bầu trời California sắp vào xuân, từng bầy chim ca hót véo von trên không trung trải màu nắng lụa của buổi bình minh. Hoa lá cỏ cây quanh nhà đơm hoa kết trái khoe sắc, tỏa hương theo cơn gió sáng mát rượi, dễ chịu... Thật ra từ khi đến xứ tự do này, sống nếp sống an nhiên và hòa đồng cùng dân bản xứ an an, bình bình... nếu mình không làm phiền hàng xóm, và phạm pháp. Tâm hồn tôi thanh thản, an hòa hạnh phúc hơn buồn đau, ngoại trừ tin ba tôi qua đời (10 năm trước ở bên nhà). Nhưng mấy hôm rày tâm tư tôi xao động, xáo trộn tin ác dịch Tàu cộng tràn lan khắp nơi trên thế giới, đã giết chết và gây nhiễm dịch đe dọa biết bao nhiêu sinh mạng con người... khiến cho nhân thế bàng hoàng, lo sợ, hoảng loạn!
Sự việc chưa lắng đọng thì tin từ quê nhà gởi sang:
“...Hồng Ân qua đời ở tuổi 72... Vẫn chưa lập gia đình...”
Tôi nhớ lời thì thầm dặn dò của Hồng Ân, còn vẳng bên tai: “...Ái Châu à, mầy không được thố lộ chuyện tình của tao với bất cứ ai cho đến khi tao chết...” Cơn buồn chợt đến chiếm sâu và rộng trong tâm hồn, tôi thì thầm nguyện cầu: “...Hồng Ân ơi, hãy chứng giám cho lòng con bạn mầy, kể từ năm 1972 đến nay là năm 2020 (đã 48 năm rồi) tao vẫn giữ tròn lời hứa, vì tôn trọng tình yêu đích thực của mày, dù đó là yêu đơn phương! Nay thì đã xong một kiếp con người, cầu nguyện cho mày hãy an bình thanh thản nơi Non Bồng Nước Nhược...”
Tôi thờ dài nghẹn ngào, không ngăn được dòng lệ chảy dài xuống má, với lòng buồn rười rượi. Tôi thương cảm con bạn thân lìa đời, mang theo mối tình câm, mà nó hạnh phúc trong tình yêu đơn phương đó cho đến cuối cuộc đời! Chuyện xảy ra đã bao nhiêu năm qua, và nay tất cả chỉ còn là kỷ niệm đẹp! Kỷ niệm khiến tôi thương cảm và nhớ về cố hương quay quắc, vì nơi đó đã cho tôi quá nhiều hồi ức để làm hành trang cho đời mình!
“...Một mình trên đường vắng
Những chiều trắng mưa sa
Anh ơi em vẫn nhớ…
Dù đã qua rất xa!”
Tệ xá Diễm Diễm Khánh An
DƯ THỊ DIỄM BUỒN
Email: dtdbuon@hotmail.com
Comments