top of page
Ảnh của tác giảRuby K.

Bài “Sổ Tay” kỳ 500, tôi viết về tôi

Sổ Tay Ký Thiệt kỳ 500 (Đời Nay ra ngày 18.3.2022)



Bài “Sổ Tay Ký Thiệt” kỳ này trên Tuần báo Đời Nay là kỳ thứ 500, tôi xin được dùng dịp này để viết… về tôi, dù ai ai cũng nói “cái tôi đáng ghét”, nhưng tôi lại thấy cái tôi... đáng thương. “Đáng thương”, chứ không phải “dễ thương”. Tôi thấy tôi là con người “đáng thương” nhất thế giới, hay nói một cách khiêm tốn thì cũng đáng thương nhất trong cõi người Việt tị nạn cộng sản ở hải ngoại.

Tôi ông chỉ đáng thương mà còn... đáng phục. Thật vậy, từ khi còn mài đũng quần dưới mái trường trung học tại Sài-Gòn, viết được vài cái truyện ngắn gửi đăng báo, tôi chưa bao giờ dám nghĩ có ngày mình sẽ viết phiếm luận hay có khả năng viết phiếm luận.

Vậy mà bây giờ tôi đang viết phiếm luận, mà lại viết phiếm luận ở cái tuổi an dưỡng trong nhà già, mà lại … hung hãn viết liền tù một lèo 500 bài, năm trăm tuần lễ không thiếu tuần nào, không nghỉ tuần nào khiến “bổn báo” phải bịa ra một lý‎ do nào đó để cáo lỗi độc giả, như thường thấy trên báo chí Sài-Gòn ngày xưa.

Viết phiếm luận dễ gây thù chuốc oán. Trong khi có nhiều người thương thì cũng không ít kẻ ghét, thâm thù. Những tai họa xảy ra cho vài người viết phiếm luận nổi tiếng trong làng báo Sài-Gòn ngày xưa và tại hải ngoại ngày nay là những “tấm gương” không bao giờ nên coi thường

Vì những lý do trên đây mà trong những năm đầu cầm bút viết văn, tôi không bao giờ nghĩ đến viết phiếm luận. Tôi chỉ viết truyện ngắn và mấy năm sau, bắt đầu viết truyện dài. Đầu thập niên 1970, tôi viết truyện dài đầu tay, lấy tựa đề là “Bầy Thú Nhỏ”. Đây là kết quả của mấy năm làm công chức ở Di Linh, Lâm Đồng, trong lúc cuộc chiến tranh “nồi da xáo thịt ... đánh cho Mỹ cút ngụy nhào” leo thang ngày càng ác liệt.

Tôi đã “thai nghén” truyện này trong lúc hàng ngày cọ sát với cuộc chiến kỳ quái ẩn hiện trên vùng đất cao nguyên với những đồn điền trà và cà-phê ngút mắt yên bình nhưng thần chết cũng có thể ẩn núp ở mọi nơi để tung lưỡi hái.

Tôi nghĩ mình đã có đủ chất liệu và cảm xúc để viết một truyện dài về cuộc chiến vô nghĩa và vô nhân này, nhìn từ phía những nạn nhân hèn mọn nhất mà tôi chưa thấy có nhà văn Việt Nam nào viết, trong khi có những nhà văn ngoại quốc viết nhiều tác phẩm bất hủ lấy bối cảnh chiến tranh trên đất nước họ vào thời đại của họ mà ai đọc cũng mê, như Erich Maria Remarque (Đức) và Virgil Gheorghiu (Rô-Ma-Nia)...

Khi nghỉ công chức để làm thày cãi, tôi tập sự tại Văn phòng Luật sư Nguyễn Phượng Yêm trên đường Lê Lai, Sài-Gòn. Bên cạnh đó là một văn phòng của Nhật báo Tiền Tuyến, tờ báo của Quân Đội VNCH, tòa soạn đặt trong một doanh trại trên đường Phan Đình Phùng, và có một văn phòng bên ngoài để liên lạc với độc giả và thân chủ quảng cáo.

Chủ nhiệm Nhật báo Tiền Tuyến khi ấy là Đại tá Nguyễn Huy Hùng. Thỉnh thoảng ông Hùng ra làm việc tại văn phòng trên đường Lê Lai, tình cờ gặp nhau, vui vẻ chào hỏi xã giao. Một hôm, tôi nói với Đại tá Hùng về cuốn Bầy Thú Nhỏ và đưa ông cầm về đọc.

Vài hôm sau, Đại tá Hùng tới văn phòng trên đường Lê Lai và cho người mời tôi sang gặp. Quá với mong ước. Ông Hùng cho tôi biết tờ Tiền Tuyến sẽ đăng Bầy Thú Nhỏ, đồng thời sẽ quay thành phim. Ông nói cuốn truyện này rất thích hợp để làm phim, ông đọc tới đâu trong đầu cũng hiện ra cảnh sống động trong phim, nếu được thực hiện xuất sắc. Nhưng, ông cũng cho biết muốn làm phim cũng không phải là không gặp nhiều khó khăn. Trước hết, truyện này sẽ có thể bị những kẻ thiển cận cho là phản chiến, có hại cho chính sách hiện nay của ta, và có lợi cho địch. Ngoài ra, muốn thực hiện được một cuốn phim lột tả trung thực được những điều trong sách muốn nói cũng không phải là dễ. Nhưng ông nói VNCH đang cần một cuốn phim như vậy, nếu không cho chiếu ở trong nước thì chiếu ở ngoại quốc, nhất là tại các nước tây phương, nơi đang bị tuyên truyền bịp bợm của cộng sản đầu độc nặng, quay lại chống chúng ta. Chúng ta cần phản công bằng cách nói lên sự thật.

Không bao lâu sau, Tiền Tuyến bắt đầu khởi đăng Bầy Thú Nhỏ, và sau khi đăng được hai kỳ, tờ báo của Quân Đội đã viết một bài nồng nhiệt giới thiệu cuốn sách được gọi là một “Thông Điệp Hòa Bình”, trong đó có đoạn nguyên văn như sau:

“BẦY THÚ NHỎ đăng nơi trang 2 từ 2 số báo qua mới chính là một THÔNG ĐIỆP HÒA BÌNH viết bằng tất cả sự thật mắt thấy tai nghe, bằng xương máu và mất mát rất nhiều của người dân Việt Nam qua hơn một phần tư thế kỷ chiến tranh dai dẳng...

“BẦY THÚ NHỎ” là bản cáo trạng dành cho những tội phạm chiến tranh... Và tất cả những người Việt Nam đau khổ vì chiến tranh cũng hãy đọc “BẦY THÚ NHỎ” để thấm thía thân phận và số kiếp hẩm hiu của mình.

Với các nhà làm phim Việt Nam thì đây là truyện phim phản ảnh đúng nhất thực trạng chiến tranh trên quê hương chúng ta. Nếu thực hiện xuất sắc, đó là tác phẩm điện ảnh mà không quốc gia nào có thể qua mặt ta được, bởi đó là bức họa trung thực nhất, mà cũng độc đáo nhất. Vì trên thế giới từ xưa tới nay, chưa có cuộc chiến nào như cuộc chiến Việt Việt Nam.”

“BẦY THÚ NHỎ” được tiếp tục đăng từng kỳ chưa chấm dứt thì Việt Nam đã có “hòa bình”, với sự “thắng cuộc” của lừa dối, của xe tăng Liên-Sô và sự phản bội của “đồng minh”.

Năm 1982, sau bảy năm no đủ với thứ “hòa bình” ấy, tôi đã phải bỏ vợ con lại để lầm lũi ra đi một mình trong đêm tối vì không còn con đường nào khác, vì không còn tiền bạc, không còn ích lợi gì cho ai, và sau khi 5 người thân trong gia đình đã ra đi hơn một năm mà không có tin tức gì.

Vợ con tôi đã nhắm mắt nuốt lệ để cho tôi ra đi, và tôi đã đặt chân lên bờ biển Mã-Lai sau mấy ngày đêm chen chúc với khoảng 50 người khác trong con tàu đánh cá nhỏ lênh đênh trên biển khơi, “đi vào cái chết để tìm sự sống” – như ai đó nói.

Tôi đã sống lại với đầy đủ ý nghĩa của một Con Người viết hoa sau mấy năm sống mà cũng như không có mặt trên thế gian này, hay một con “ma người”, một loại ma mà vẫn ăn, vẫn thở!

Sau khi được trở lại làm con người thật, sống thật, tôi bắt đầu nghĩ đến những việc phải làm, cần làm, và nghĩ đến tương lai, những ước mơ. Trong mấy tháng tạm trú tại đảo Bi-Đông, Mã-Lai, để chờ làm thủ tục định cư, tôi đã bắt đầu viết ngay, tội nghiệp cái đầu phong phú của tôi đã bị dồn nén quá lâu. Trong trại Bi-Đông có một phòng đọc sách với một ít sách báo Việt ngữ xuất bản ở hải ngoại, trong đó có Bán nguyệt san Văn Nghệ Tiền Phong của ông Nguyễn Thanh Hoàng, xuất bản tại Virginia, Hoa Kỳ. Tôi bèn gửi cho tờ VNTP vài truyện ngắn.

Khi sang Mỹ, ở California, định cư, tôi được biết hai truyện ngắn của tôi đã “trúng” Giải Truyện Ngắn VNTP năm 1983 mà Nhà văn Võ Phiến làm Trưởng Ban Tuyển Chọn. Truyện “Con đường lá me” giải nhất, và truyện “Sau mùa săn” giải ba. Vài năm sau, hai truyện này được chọn in vào hai Tuyển tập Truyện ngắn “Trừng Phạt” và “Vết Thương”.

Cũng do vụ này mà tôi đã được ông Nguyễn Thanh Hoàng gọi điện thoại mời sang Virginia làm việc toàn thời gian tại tòa soạn VNTP, và cũng tại đây, tôi đã bắt đầu viết... phiếm luận.

Nói đến tờ VNTP thì không thể không nói tới ông Lê Triết. Chức vụ chính thức của Lê Triết trong tờ VNTP là “Tham vấn Chuyên môn”, nhưng không ai hiểu chức vụ ấy là cái quái quỷ gì trong tờ báo thì ông ta lại rất nổi tiếng với mục phiếm luận “NGÀY LẠI NGÀY” mà ông ký với bút hiệu Tú Rua. Khi ấy, nhiều người tin rằng VNTP bán chạy là nhờ “NGÀY LẠI NGÀY” của Tú Rua. Có thể cả ông Nguyễn Thanh Hoàng cũng tin như vậy, do đó mà Tú Rua vẫn được ông chủ báo biệt đãi dù “NGÀY LẠI NGÀY” đã đưa tới vài vụ kiện và có thể là nguyên do của một vụ đốt nhà mà khi tôi tới (1985) thì ngôi nhà ông Hoàng vừa làm nơi cư ngụ vừa dùng làm tòa soạn đã được công ty bảo hiểm tu sửa không bao lâu sau khi bị đốt.

Có lần tôi đã vô tình dại mồm dại miệng nói thật với ông Hoàng: “Giá anh Triết viết nhẹ đi một tí thì càng có nhiều người đọc hơn và giảm bớt kẻ thù.”

Ông Hoàng cười, không đồng ý: “Tú Rua mà viết nhẹ thì nhạt phèo, ai mà đọc.” Ông dừng lại vài giây rồi bất ngờ nói lớn như vừa khám phá ra điều gì rất thú vị: “Ờ này, mà sao anh lại không viết phiếm luận nhỉ?”

??? “Ơ hay! Tại sao tôi lại viết phiếm luận nhỉ?” Tôi ngơ ngác tự hỏi.

Nhưng, ít lâu sau tôi đã bắt đầu viết...phiếm luận! Tôi đã thay đổi lập trường và viết phiếm luận sau khi đã tìm ra chân lý trong câu nói về mục “NGÀY LẠI NGÀY” của Tú Rua (viết nhẹ đi một tí, hay chỉ... vuốt nhẹ thôi).

Vả lại, khi “đi vào chỗ chết để tìm sự sống”, tôi đã mơ mộng quá nhiều và tự cho mình một sứ mạng cao cả: nếu tới được bến bờ tự do, tôi sẽ nói hết, viết hết cho “Thế giới Tự do” biết về những sự thật đằng sau bức màn tre ở Việt Nam ngày nay. Sẽ tìm lại Đại tá Nguyễn Huy Hùng để thực hiện cuốn phim Bầy Thú Nhỏ, để mở mắt cho bọn phản chiến bên Mỹ và bọn thân cộng bên Tây, sẽ cùng những người đồng chí hướng tranh đấu cho tự do tại Việt Nam.

Khi từ trại ti nạn đặt chân lên đất Mỹ, tôi may mắn gặp lại Giáo sư Phạm Kim Vinh, một người bạn cũ, tại “Thủ đô Tị nạn Quận Cam” (Orange County) ở California. Ông rời Việt Nam từ tháng 4 năm 1975 và đã viết nhiều sách về Việt Nam, bằng Việt ngữ có, Anh ngữ có, và có Tạp chí Quan Điểm, bài vở rất giá trị nhưng độc giả không nhiều. Những bài tôi mơ ước viết đầu tiên ở hải ngoại, tôi đã viết và được đăng trên tạp chí này cho đến khi sang Virginia làm việc toàn thời gian tại tòa soạn VNTP.

Tại đây, tôi đã hết “ngây thơ” và không còn ảo tưởng về “sứ mạng” nói lên sự thật tại Việt Nam, không còn ảo tưởng về cộng đồng người Việt tị nạn ở hải ngoại, ảo tưởng về “Thế giới Tự do”. Và do đề nghị của ông Nguyễn Thanh Hoàng, tôi đã bắt đầu viết phiếm luận. Mục phiếm luận đầu tiên tôi viết trên tờ VNTP được đặt tên là XÂY DỰNG và ký với bút hiệu Thợ Hồ đã cho thấy chất tếu của mục này và ý hướng của người viết.

Năm 1989 tôi từ giã tờ VNTP vì vợ con tôi cũng đã vượt biển sang Mỹ, tôi cần làm công việc khác lương tiền khá hơn để lo cho gia đình hơn là làm ... Thợ Hồ để Xây Dựng cái túi tiền cho ông NTH.

Tôi ra khỏi tòa soạn VNTP không bao lâu thì xảy ra vụ ám sát nhẫn tâm vợ chồng Ký giả Lê Triết Tú Rua. Tôi rất bất bình và thương tiếc hai nạn nhân nhưng không cảm thấy lo sợ, vì nghĩ mình chỉ làm công việc của anh thợ hồ là xây dựng, không gây thù chuốc oán với ai. Vì vậy sau đó, tôi lại đem mục này sang Tạp chí Thế Giới Ngày Nay ở Wichita, Kansas, do ông Lê Hồng Long làm chủ nhiệm. Tôi cộng tác với tờ báo này vì viết lách đã trở thành nhu cầu tinh thần với tôi, và ông chủ nhiệm cũng là người biết “chiêu hiền đãi sĩ”, nên dù đang làm “sở Mỹ” 8 giờ mỗi ngày, gia đình đã đoàn tụ yên vui, tôi vẫn cố dành hai ngày cuối tuần và vài buổi tối chịu khó thức khuya để viết bài gửi cho TGNN, trong đó có mục Xây Dựng của Thợ Hồ. Rồi, một ngày đẹp trời vào tháng 9 năm 1992, ông chủ nhiệm TGNN từ Wichita điện thoại cho tôi báo tin có một bà người Nga muốn gặp tôi. Tôi rất ngạc nhiên và tò mò hỏi thêm thì được ông Long giải thích: “Bà ấy gọi tới đây và xin nói chuyện với Thợ Hồ. Tôi trả lời Thợ Hồ không ở đây. Ông ấy là Nhà văn Sơn Tùng và ở Virginia, để tôi cho bà số phone của ông ấy. Bà ấy vui mừng reo lên và cho biết sẽ đi Virginia trong vài ngày nữa và sẽ gọi cho anh.” Nghe vậy, tôi cũng bị điên cái đầu nên quên hỏi hai người nói chuyện với nhau bằng tiếng gì. Nhưng tôi không gọi lại ông Long để hỏi. Vài ngày sau, “bà người Nga” đã gọi cho tôi và mời tới gặp bà tại một khách sạn không mấy xa nhà tôi. Tôi lấy bút ghi địa chỉ và số điện thoại khách sạn xong thì mới nhận ra “bà người Nga” này nói tiếng Việt giọng Bắc không khác gì một bà Bắc Kỳ! Ngày hôm sau, tôi tới khách sạn gặp “bà người Nga”, Irina Zisman, một nữ ký giả phụ trách chương trình tiếng Việt của đài phát thanh Mạc-Tư-Khoa thời Cộng sản. Sau khi Đế quốc đỏ Liên-Sô sụp đổ, Irina đã đứng ra thuê đài, thành lập “Radio Irina”, tên Việt Nam là “Tiếng Nói Tự Do Từ Mac-Tư-Khoa” phát thanh về Việt Nam để yểm trợ cho cuộc tranh đấu cho tự do nhân quyền của Việt Nam. Irina sang Mỹ để vận động “người Việt mình” yểm trợ Đài. Irina tới Califonia trước. Một hôm ra Phố Bolsa, vào tiệm sách mua mấy tờ báo về đọc, trong đó có Tạp chí Thế Giới Ngày Nay. Đọc bài “Thư gửi Dương Thu Hương” trong mục “Xây Dựng” của Thợ Hồ, Irina thấy hay quá nên gọi cho tòa báo. Tôi không bao giờ nghĩ một bài phiếm luận bình thường trên một tờ báo bình thường của người Việt tị nạn đã tạo ra sự đồng cảm huyền bí và sâu xa giữa hai con người xa lạ, khác chủng tộc, ở cách xa nhau nửa vòng trái đất và có thời đã từng là kẻ thù ‎ý thức hệ của nhau. Và, sự đồng cảm ấy đã đưa đến một quan hệ sâu đậm tuyệt vời giữa chúng tôi trên con đường tranh đấu chung cho tự do của Việt Nam mà tôi đã viết lại trong một chương của cuốn “Cái Nghiệp Văn Báo”, xuất bản năm 2013. Còn Irina thì đã ghi lại mọi việc và trang trải nỗi lòng trong hai cuốn Bút Ký viết bằng Việt ngữ. Trong “Bút Ký Irina Tập hai” (1994), Irina viết: “Tôi mơ ước rằng Đài sẽ đóng góp một vai trò thật độc đáo – truyền lại cho người nghe ở Việt Nam niềm hy vọng và niềm tin của tôi. Tôi không kêu gọi thính giả gì hết. Tôi không dám, không thấy cần thiết và không thấy mình có quyền kêu gọi một dân tộc khác về cuộc sống của họ. Nhưng tôi tin. Tôi tin ở phẩm giá của một dân tộc mà cả cuộc đời tôi đã gắn bó một cách kỳ lạ với họ. Tôi tin rằng tôi đã có thể chọn những lời chính xác để có thể tác động – không phải đến trí óc – mà là đến trái tim của người nghe. Và thậm chí nếu không phải là mọi người đều nghe thường xuyên và rõ ràng những điều tôi nói, thì bản thân công việc của tôi – kiên quyết đứng về phía những lý tưởng Tự Do cho Việt Nam – sẽ tìm được hồi âm trong trái tim của họ. Và tôi có một tham vọng nữa. Có lần một người Việt Nam ở Canada, trả lời phỏng vấn cho Đài, đã nói rằng ‘phải có một nước Việt Nam để chúng tôi trở về’. Vậy thì tôi muốn góp hết sức mình để tạo ra một nước như thế.” (ngưng trích) Khi tôi viết những dòng này thì cuộc chiến tranh xâm lược của Putin trên đất Ukraine đã diễn ra được ba tuần lễ, đã gây ra bao chết chóc, đau thương, tàn phá trên đất nước láng giềng nhỏ yếu hơn nhưng đang kiên cường chống trả, và nước Nga mà Irina từng tự hào đang bị gần như cả thế giới lên án. Thời gian Irina làm Đài, “muốn góp sức mình để tạo ra một nước Việt Nam mới và Tự Do", là thời gian nước Nước Nga vừa hồi sinh sau hơn 70 năm bị thống trị bởi Chủ nghiã Cộng sản. Sự sụp đổ của Đế quốc Đỏ Sô-Viết sau khi Khối Cộng sản Đông Âu chư hầu Liên-Sô tan rã trong những cuộc cách mạng hào hùng liên tiếp diễn ra vào cuối thập niên 80 và đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, đã khiến thế giới ngưỡng mộ và nhân loại hân hoan thoát cơn ác mộng Mác-Lê. Mọi người lạc quan nghĩ rằng bốn nước cộng sản còn lại (Trung cộng, Việt cộng, Hàn cộng, Cuba cộng) sớm muộn cũng sẽ không còn. Nhưng ngày nay, sau hơn 30, Trung cộng, Việt cộng, Hàn cộng, Cuba vẫn còn đó. Trung cộng còn trở nên giàu mạnh hơn (nhờ sự trợ giúp của...Hoa Kỳ). Và nước Nga, tuy “Đế quốc Đỏ Sô-Viết” đã chết, viên cựu Đại tá KGB Vladimir Putin đã biến thân trở thành một bạo chúa không ngai với quyền hành vô giới hạn, với giấy phép giết bất cứ ai, đang mưu đồ dựng lại cái đế chế cũ từ đống tro tàn của lịch sử. Thế giới này rồi sẽ ra sao? Viết tới đây, tôi nhắm mắt lại, nghĩ tới cái “sứ mạng” mình mang theo khi “đi vào chỗ chết để tìm sự sống” và những gì mình đã làm từ khi “sống lại như một Con Người”, kể cả 500 bài “Sổ Tay” trên Tuần báo Đời Nay, tôi nhận ra mình đã chưa làm một việc: đặt một cành hoa trên bờ biển để tưởng niệm những Con Người đã không Sống lại. Ký Thiệt


Sang Mạc-Tư- Khoa để cùng Irina giải quyết khó khăn của Đài



Cành hoa cho những Con Người không sống lại.




6 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page